Gìn giữ kho báu văn hóa dân tộc
Gần đây, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp UBND huyện Ba Vì công bố Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền “Chữa lành – Tịnh tâm – Dưỡng tuệ” của người Dao quần chẹt thôn Hợp Sơn, huyện Ba Vì. Đây là một điểm du lịch đang thu hút sự quan tâm của du khách Hà Nội, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ vừa qua. Tại điểm du lịch cộng đồng của người Dao ở Ba Vì, du khách không những được vui chơi, tham gia các hoạt động, mà còn thư giãn với việc chăm sóc, phục hồi sức khỏe từ những bài thuốc quý của người dân địa phương, Điểm du lịch phát huy được thế mạnh của người Dao ở quần chẹt với nghề làm thuốc nam lâu năm, cùng những nét đẹp văn hóa như Lễ cấp sắc, Lễ cúng Bản Vương,…
Chủ tịch UBND huyện Ba Vì – ông Đỗ Mạnh Hưng cho biết, điểm du lịch cộng đồng bản Miền góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch của huyện Ba Vì, đồng thời đây là một “điểm cốt lõi” để gìn giữ, bảo tồn và lan tỏa văn hóa người Dao ở quần chẹt đến với cộng đồng.
Thực tế, hiện nay có rất nhiều bản làng đã và đang xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước bằng việc khám phá văn hóa bản địa, hòa mình với thiên nhiên xanh, môi trường trong lành trên những vùng cao của Tổ quốc Việt Nam. Một trong những nơi đã thành công khi áp dụng mô hình du lịch cộng là người Mông ở Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Bằng nỗ lực của người dân tại đây, hiện tại Làng du lịch cộng đồng của người Mông trở thành điểm đến văn hóa, nghỉ dưỡng ở vùng đất Đông Bắc. Du khách đến đây sẽ được thưởng thức món ăn truyền thống của người Mông, tham gia đêm nhạc hội, trò chơi dân gian của họ.
Xu hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa đang “kéo” nhiều người dân tộc thiểu số rời xa mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” để đến với phố thị làm ăn, sinh sống. Việc làm du lịch cộng đồng là một cách để người dân tộc tiếp tục nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc độc đáo của họ; đồng thời giúp du khách trải nghiệm thực tế nét đẹp của 54 dân tộc Việt Nam ngay tại các bản làng.
Tạo kế sinh nhai bền vững
Du lịch cộng đồng hiện nay cũng là một cách để người dân tộc thiểu số có thêm thu nhập, phát triển kinh tế – xã hội. Chia sẻ với truyền thông, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh nhận định, mô hình du lịch cộng đồng không chỉ đem lại lợi ích to lớn cho việc gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc, mà còn tạo thêm kế sinh nhai, nâng cao đời sống, xã hội cho người dân tộc. Như bản Sìn Suối Hồ (tỉnh Lai Châu) từ một nơi tồn tại nhiều tệ nạn xã hội, nay đã vươn mình trở thành địa điểm du lịch hút khách, thu nhập bình quân của người dân tăng gấp nhiều lần so với thời trước.
Tuy nhiên, làm du lịch cộng đồng không đơn giản, mà cần các tỉnh, địa phương đầu tư suy nghĩ, định hướng. Bởi muốn đem lại kế sinh nhai bền vững cần đi kèm với việc phát triển du lịch bền vững, thân thiện với môi trường, phát huy được những nét văn hóa độc đáo, nổi bật.
Điều này đang dần được các tỉnh, địa phương điều chỉnh. Việc đầu tiên chính là quy hoạch du lịch cần bảo đảm môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái không bị ảnh hưởng. Hiện nay, các điểm du lịch của người dân tộc gắn liền với du lịch sinh thái, du lịch khám phá văn hóa, ẩm thực… Nhiều nơi đã có ý thức chọn lọc những thế mạnh văn hóa, đặc trưng riêng để phát triển du lịch như khai thác “sở trường” về thảo dược, thuốc nam, du lịch “chữa lành”, chữa bệnh…
Một ví dụ thú vị: người Xơ Đăng ở làng Tu Thó, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã dùng thế mạnh trồng hoa hồng, vừa chiết xuất tinh dầu bán cho du khách, vừa tạo không gian đẹp để khách chụp ảnh “sống ảo”. Vì vậy, bản làng của họ gần như không có sự phát triển du lịch “nóng”, ồ ạt, ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên, mà vẫn gìn giữ, bảo tồn được phong tục tập quán, nghề nghiệp truyền thống.