Người dân sinh sống tại khu vực bờ vở sông Hồng thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội mong muốn cải tạo khu vực này thành không gian công cộng như sân chơi, khu tập thể dục thể thao, đường dạo ven sông, khu sinh thái hoặc vườn rừng.
- Tìm hiểu Nhà tre nổi (Floating Bamboo House)
- Ngôi nhà nhỏ tràn ngập ánh sáng và cây xanh trong con ngõ hẹp ở Hà nội
Giá trị tự nhiên, giá trị đa dạng sinh học nổi bật
Sông Hồng, đoạn chảy qua khu vực Hà Nội, có chiều dài khoảng 120km. Chính dòng chảy uốn khúc quanh co tạo ra đổi dòng liên tục đã gây bồi lắng, hình thành nên hàng trăm bãi bồi, bãi giữa lớn nhỏ giữa sông. Các phân tích ảnh vệ tinh cho thấy tổng diện tích các bãi giữa sông Hồng khoảng 5km2.
Tháng 8/2022, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống đã phối hợp thực hiện bộ ảnh ghi lại “chân dung” của 12 loài chim, trong đó có hai loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam. Bộ ảnh đã phản chiếu một phần vẻ đẹp đa dạng sinh học tại bãi giữa và khiến không ít người sửng sốt về giá trị sinh thái nơi đây.
Không chỉ phong phú về các loài động vật, khu bãi giữa sông Hồng còn là nơi có một số loài cây thuốc quý, phổ biến nhất là ngưu bàng. Theo Đông y, ngưu bàng có vị cay, đắng, tính hàn, có tác dụng trừ phong nhiệt, thanh nhiệt giải độc, thông phổi, làm mọc ban chẩn, tiêu thũng và sát khuẩn.
Chia sẻ về hiện trạng sinh thái bãi nổi giữa và ven sông Hồng khu vực Hà Nội, tại Tọa đàm “Tiếp cận sinh thái và xã hội trong việc thúc đẩy đô thị bền vững và dung hợp: Sự tham gia của các bên liên quan từ kinh nghiệm ở Hà Nội” cuối tháng 5 mới đây, TS Nguyễn Mạnh Hà – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển (CCD) đã cho biết, vùng bãi sông Hồng có giá trị tự nhiên và giá trị đa dạng sinh học nổi bật. Tuy nhiên, thực trạng hệ sinh thái động thực vật khu vực này đang bị đe dọa nghiêm trọng, nhất là hệ sinh thái nguyên bản không còn giữ được nhiều. Những tác động tiêu cực từ hoạt động đô thị hóa bất hợp pháp; áp lực từ phát triển của đại đô thị (rác sinh hoạt, phế thải xây dựng…); khai thác cát lậu; hay việc xâm lấn vùng bãi và các tác động tiêu cực của canh tác nông nghiệp không bền vững… đang làm biến đổi sinh thái vùng bãi sông Hồng.
Những lo âu ấy hoàn toàn có cơ sở khi bãi giữa, bãi bồi hiện nay là nơi ở và sản xuất nông nghiệp của người dân. Chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm, các bãi bồi đã hoàn toàn biến thành đất thổ cư. Càng ngày các bãi lại càng dính vào đất liền, trở thành đất canh tác nông nghiệp…
Hành lang sinh thái đặc biệt quan trọng
Theo kết quả nghiên cứu của Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống cho thấy, tình hình môi trường khu vực bờ vở (là khu vực tiếp giáp lòng sông và được người dân sử dụng như một hành lang đê điều bảo vệ nội thành Hà Nội) đang ở mức ô nhiễm nghiêm trọng với khối lượng lớn chất thải rắn tích tụ chồng chất qua nhiều năm cùng nhiều cống xả nước thải lộ thiên, chưa được xử lý, bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của đa số người dân và cần có giải pháp tổng hợp để cải thiện.
Người dân tham gia khảo sát cũng cho biết họ sẵn sàng tham gia quản lý môi trường khi khu vực bờ vở được cải tạo. Có tới 76% số người trả lời cho biết họ quan tâm và sẵn sàng tham gia vào hoạt động vệ sinh môi trường, từ việc tổng vệ sinh môi trường hàng tuần, tham gia truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng đến giám sát và báo cáo hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, có tới 82% số người trả lời cho rằng không gian công cộng là quan trọng hoặc rất quan trọng đối với cuộc sống của họ. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng công trình công cộng tại khu vực đang rất hạn chế, nhỏ hẹp và khó tiếp cận, đặc biệt đối với các nhóm đối tượng người già, người khuyết tật, người có sức khỏe yếu. Khi được hỏi về mong muốn cải tạo không gian bờ vở, đa số mong muốn có sân chơi, khu tập thể dục thể thao, đường dạo ven sông, khu sinh thái hoặc vườn rừng. Trong các cuộc phỏng vấn sâu, người dân trong khu vực khảo sát đều nhấn mạnh đến giá trị của bờ vở là tự nhiên, gồm thảm thực vật, chim và sóc.
Tiến sĩ, kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn, thành viên của nhóm nghiên cứu nhấn mạnh: “Bờ vở là vùng đất ven sông Hồng được sử dụng như một hành lang thoát lũ, bảo vệ Hà Nội và đang bị ô nhiễm môi trường không khí, đất và nước nghiêm trọng. Nhưng đây cũng là khu vực có nhiều tiềm năng cho phát triển không gian công cộng sinh thái ven sông nhằm thỏa mãn nhu cầu hoạt động của cộng đồng dân cư. Giải quyết triệt để được vấn đề ô nhiễm môi trường của khu vực, từ đó đưa sông Hồng hồi sinh trở lại với vai trò trung tâm và là hành lang sinh thái có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Hà Nội”…
Chia sẻ về kết quả nghiên cứu khảo sát, nhóm nghiên cứu đã đề xuất giải pháp dựa trên kinh nghiệm quốc tế về không gian công cộng, kết hợp với các yếu tố đặc thù của khu vực bờ vở, cũng như hành lang pháp lý và chiến lược phát triển sông Hồng của Thành phố Hà Nội.