Bộ VH,TT&DL cho biết, đặc thù nghệ sĩ, diễn viên được đào tạo trong 7 – 12 năm, một số bộ môn 15 – 16 năm. Tuổi đào tạo nghề từ 10 tuổi và phải có năng khiếu. Trong khi đó, thời gian hoạt động biểu diễn bình quân 15 – 20 năm. Vì vậy, nữ nghệ sĩ 35 – 40 tuổi và với nam là 40 – 45 tuổi hầu như bị suy giảm khả năng biểu diễn, hoạt động chuyên môn. Việc này dẫn đến thực trạng người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật “hết tuổi nghề nhưng chưa đủ tuổi hưu”, khó khăn trong chuyển đổi vị trí việc làm.
Đa số những người này không đáp ứng tiêu chuẩn thi, xét tuyển công chức, viên chức nên không thể đảm đương vị trí quản lý, hành chính. Các nghệ sĩ này mong được giải quyết chế độ để nghỉ hưu sớm. Tuy nhiên, quy định hiện hành chỉ cho phép họ nghỉ sớm hơn không quá 5 năm so với quy định (60 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ).
Vì vậy, Bộ VH,TT&DL đề xuất đưa viên chức lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn vào “Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm”. Điều này giúp họ được xem xét về hưu sớm theo nguyện vọng khi đã tham gia bảo hiểm xã hội đủ 20 năm. Mức hưởng lương hưu sẽ theo tỷ lệ đóng bảo hiểm.
Bộ VH,TT&DL cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp; bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn cho viên chức, người lao động lĩnh vực nghệ thuật phù hợp với thực tiễn.
Theo chế độ tiền lương hiện nay, qua khảo sát, viên chức lĩnh vực nghệ thuật có thâm niên công tác 10 năm (trung bình ở độ tuổi 35) thực nhận khoảng 5 triệu đồng. Với người lao động vừa được bổ nhiệm vào viên chức, ngạch diễn viên (trung bình ở độ tuổi 25), sau khi trừ bảo hiểm xã hội thì thu nhập có nguồn gốc từ lương được nhận chỉ trên dưới 3 triệu đồng, không đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt, ăn, ở và đi lại.
Bộ VH,TT&DL cũng cho biết, tiền bồi dưỡng luyện tập hiện nay của diễn viên là 35 – 80 ngàn đồng/buổi tập; tiền biểu diễn là 80 – 200 ngàn đồng/buổi. Mức tiền này đã không thay đổi gần 10 năm, dù Nhà nước đã 6 lần tăng lương cơ sở. “Mức bồi dưỡng hiện hành không khích lệ, động viên được viên chức, người lao động chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn”, báo cáo của Bộ VH,TT&DL nêu.
Những thực tế và đề xuất nêu trên của Bộ VH,TT&DL là chính đáng, có thể sẽ sớm được cơ quan thẩm quyền xem xét thông qua. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận một vấn đề, là xã hội hiện nay ngày càng phát triển, nhu cầu văn hóa nghệ thuật của người dân ngày càng cao, vai trò của các nghệ sĩ là rất lớn. Một số nghệ sĩ đang hưởng lương nhà nước, ngoài việc phục vụ việc công, cũng có những hoạt động biểu diễn ngoài giờ hành chính để có những khoản thu nhập chính đáng. Vì vậy, Bộ VH,TT&DL và các cơ quan quản lý các nghệ sĩ cũng cần có những cơ chế, cách làm phát huy hơn nữa tính tự chủ sáng tạo trong biểu diễn văn hóa nghệ thuật; để vừa phục vụ công chúng tốt hơn; đồng thời giúp đời sống vật chất các nghệ sĩ ngày càng được nâng cao.