Xyanua là chất độc gây chết người cực mạnh và nguy hiểm hơn khi nó xuất hiện cả trong những thực phẩm mà chúng ta ăn hàng ngày. Nếu không biết cách chế biến, chất này có thể gây ngộ độc nặng cho người ăn.
- Ngăn chặn vụ việc thương tâm do Xyanua cách nào? – Bài 3: Các nước nghiêm trị kẻ sát nhân hàng loạt, “siết” quản lý chất độc gây án
- Ngăn chặn vụ việc thương tâm do Xyanua cách nào? – Bài 2: Chất độc nhất trong các chất độc
Theo chuyên gia y tế, Xyanua là một chất cực độc, được liệt vào danh sách những chất độc nhất. Chất độc này có thể nhiễm vào cơ thể thông qua đường da, đường ăn uống hoặc đường hô hấp. Cơ chế gây ngộ độc của Xyanua là gây ức chế hô hấp tế bào, gây ngưng hô hấp, ngưng tuần hoàn, tác động tới các cơ quan trọng yếu như não và tim… Nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong. Các trường hợp ngộ độc nặng nếu may mắn sống sót cũng có thể chịu các di chứng như yếu liệt, rối loạn vận động với hội chứng giống Parkinson…
Mặc dù chất này thường được sử dụng trong ngành công nghiệp như sơn, dệt nhuộm, luyện kim, khai thác vàng, sản xuất thuốc trừ sâu…, song nó cũng tồn tại nhiều trong một số loại thực phẩm tự nhiên.
Vậy những thực phẩm nào có chứa Xyanua? Cần làm gì để phòng ngừa ngộ độc Xyanua?
Chất độc chết người tồn tại trong nhiều loại thực phẩm quen thuộc
Theo PGS.TS. Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong tự nhiên Xyanua cũng được tìm thấy ở rất nhiều loài thực vật. Trong số này có các loại thực phẩm tự nhiên thường gặp như măng, sắn (củ mì), khoai tây nảy mầm, hạt của các loại quả như táo, lê, mơ, đào, mận, anh đào…
Ở những cây này, Xyanua liên kết với các phân tử đường dưới dạng glycoside cyanogen (tiền chất xyanua). Khi các glycoside cyanogen đi vào cơ thể, chúng được chuyển hóa thành hydro xyanua độc hại trong đường ruột. Trẻ nhỏ dễ bị tổn thương hơn và chỉ nhai một vài hạt của những loại cây này có thể ngộ độc Xyanua.
“Tuy nhiên, hàm lượng tiền chất Xyanua có trong các loại thực phẩm rất ít, ví dụ như ở trong củ sắn, tiền chất Xyanua tập trung nhiều ở vỏ, 2 đầu củ và lõi, trong một số trường hợp ăn sắn cũng chỉ gây say. Nồng độ tiền chất Xyanua rất thấp, không đủ để gây chết người”, PGS.TS Trần Hồng Côn nhấn mạnh.
Khuyến cáo cách chế biến thực phẩm đúng cách, tránh ngộ độc Xyanua
Chia sẻ về những cách để không bị ngộ độc khi ăn một số thực phẩm chứa Xyanua, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay: “Bản thân Xyanua là chất cực độc nên không ai cho vào trong thực phẩm. Trong tự nhiên, nó có trong hạt của các loại quả như táo, lê, mơ, đào, mận, anh đào…, các hạt này rất cứng, con người thường không ăn nên hầu như không xảy ra ngộ độc. Ngộ độc Xyanua trong thực phẩm xảy ra chủ yếu khi chúng ta ăn sắn không được chế biến đúng cách. Nguyên nhân là trong sắn có chất nhóm Xyanua. Khi hấp thụ vào cơ thể nó sinh ra acid xyanhidric (HCN) có độc tính cao gây ngộ độc. Chất độc có nhiều nhất ở vỏ sắn, hai đầu củ sắn và lõi sắn”.
Để phòng tránh ngộ độc Xyanua, PGS.TS Thịnh đưa ra lời khuyên, khi ăn sắn, người dân cần cắt bỏ 2 phần đầu củ, sau khi bóc vỏ cần ngâm trong nước rồi mới mang đi luộc. Đặc tính của Xyanua dễ tan trong nước, do đó cũng không nên ăn sắn nướng, hoặc nếu muốn ăn thì hãy bóc sạch vỏ, bỏ 2 đầu rồi mới nướng.
“Trong củ măng tươi cũng có chứa Xyanua. Tuy nhiên, trong thực tế, ngộ độc sắn phổ biến hơn, thậm chí có người tử vong, ngộ độc măng rất ít. Lý do vì khi chế biến chúng ta thường ngâm, luộc măng rất kỹ, bỏ nước đi, muối chua… nên khi ăn hầu như không có ai bị ngộ độc, nếu có thì cũng nhẹ”, PGS Thịnh nói.
Xyanua gây độc cho người và động vật do khả năng ức chế hô hấp tế bào. Độc tính cấp tính ở người được đặc trưng bởi các triệu chứng như nôn mửa, buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, khó nhìn, nhịp tim chậm, co giật, suy hô hấp và cuối cùng có thể dẫn đến tử vong. Các triệu chứng thường xảy ra trong vòng vài phút sau khi hít phải xyanua hoặc ăn thực phẩm có chứa chúng.
Ở liều thấp, nhiễm độc Xyanua sẽ bắt đầu bằng cơ thể suy yếu, chóng mặt, đau đầu, lú lẫn và cảm nhận khó thở. Một liều gây tử vong cho con người có thể ở mức thấp như 1,5mg/kg trọng lượng cơ thể.
Từ 2020 đến tháng 7/2023, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đã ghi nhận 3 vụ ngộ độc tiền chất Xyanua – cyanogenic glycoside trong thực phẩm từ các địa phương. Các vụ ngộ độc này xảy ra do ăn các loại thực phẩm chứa nhiều cyanogenic glycoside nhưng không được chế biến đúng cách hoặc với lượng quá nhiều. Đặc biệt, trong 3 vụ ngộ độc cyanogenic glycoside có 2 vụ ghi nhận trên trẻ nhỏ, chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý, tránh để xảy ra những trường hợp đáng tiếc.
Như vậy, để phòng ngừa ngộ độc Xyanua, khi ăn các thực phẩm nêu trên, cần sơ chế đúng cách để loại bỏ chất độc. Khi bị ngộ độc, cần ngay lập tức thực hiện các biện pháp sơ cứu. Trước hết, cần cho nạn nhân uống nước đường glucose để làm chậm quá trình xyanua hấp thu vào cơ thể. Đồng thời nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
Bên cạnh đó, cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với Xyanua, sử dụng đồ bảo hộ trong quá trình làm việc. Trường hợp bị chất độc dính vào da hoặc mắt, hãy rửa ngay vùng da tiếp xúc với chất độc dưới vòi nước chảy hoặc rửa nhiều lần bằng nước sạch. Sau đó, nạn nhân phải được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và có các phương án điều trị kịp thời, đúng cách.
(Còn tiếp)