Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 hướng tới mục tiêu phát triển và quảng bá du lịch Hà Nội gắn liền quảng bá du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, Lễ hội tôn vinh và bảo tồn nét đẹp văn hóa đặc sắc về tà áo dài truyền thống của dân tộc Việt Nam.
- Xác lập kỷ lục số lượng người mặc Áo dài xếp hình bản đồ Việt Nam ở nước ngoài
- Tuần lễ áo dài cộng đồng Huế 2024 sẽ diễn ra vào cuối tháng 6
- Tân Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024 sẽ đăng quang trong trang phục áo dài Việt Nam
Tái hiện lịch sử 70 năm Giải phóng Thủ đô
Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 được tổ chức vào tháng 10, là hoạt động thiết thực nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/21954 – 10/10/2024). Lễ hội do Sở Du lịch Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội và các đơn vị có liên quan tổ chức từ ngày 4 – 6/10/2024, tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội (Hà Nội).
Sự kiện Lễ hội có “Carnaval áo dài” diễu hành theo lộ trình từ Quảng trường Đoan Môn, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội – Hoàng Diệu – Hoàng Văn Thụ – Độc Lập – Hoàng Thành Thăng Long. Điểm nhấn là chương trình nghệ thuật “Tinh hoa áo dài” được xây dựng 3 chương với màu sắc tôn vinh áo dài Việt gồm Lịch sử vàng son, Nhịp cầu giao thoa và Hành trình lan tỏa. Trong không gian trình diễn kết hợp nhiều hoạt cảnh, bài múa, đặc biệt sẽ tái hiện hành trình lịch sử 70 năm Giải phóng Thủ đô với hình ảnh tà áo dài Việt Nam cùng mạch nguồn đời sống đương đại. Lễ hội kết hợp âm nhạc gồm có những ca khúc giới thiệu du lịch Việt Nam, đặc biệt là du lịch Hà Nội, với nghệ thuật ánh sáng và trình diễn áo dài từ truyền thống đến hiện đại của các nhà thiết kế theo hành trình khám phá, trải nghiệm của du khách trong nước và quốc tế.
Không gian triển lãm ảnh áo dài với các nội dung áo dài xưa và nay trong văn hóa của người Việt Nam, áo dài với bạn bè và du khách quốc tế, áo dài trong các hoạt động du lịch… Bên cạnh đó là không gian văn hóa nghệ thuật, các nghệ nhân sẽ biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống kết hợp với trình diễn áo dài.
Sự kiện có sự tham gia của các nhà thiết kế, thương hiệu áo dài, các làng nghề truyền thống, các doanh nghiệp du lịch của Hà Nội và các địa phương với khoảng 80 – 100 gian hàng giới thiệu các sản phẩm của các nhà thiết kế, thương hiệu áo dài 3 miền Bắc – Trung – Nam. Tại Lễ hội, người dân, du khách được tìm hiểu thêm về truyền thống, lịch sử áo dài theo dòng thời gian với Hà Nội, với Huế, với TP Hồ Chí Minh. Các hoạt động cộng đồng trải nghiệm, chụp ảnh với trang phục áo dài với những tiểu cảnh đẹp mắt, thao diễn tạo tác phẩm của các nghệ nhân; không gian thưởng thức ẩm thực Hà thành “Thăng Long ngũ vị”…
Lễ hội không chỉ tôn vinh áo dài Việt mà còn hướng đến không gian thông tin, quảng bá các sản phẩm tour, tuyến du lịch, dịch vụ của các doanh nghiệp hàng không, lữ hành, khách sạn, điểm đến… Được biết, trước đó, năm 2023, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội thu hút khoảng 60.000 lượt khách, sự kiện là sản phẩm du lịch hấp dẫn của Thủ đô vào mùa thu.
Hun đúc tình yêu dành cho chiếc áo dài
Chiếc áo dài truyền thống từ lâu đã trở thành biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Theo thời gian, chiếc áo ngày nay đã có nhiều thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại nhưng vẫn lưu giữ được nét đẹp truyền thống đầy tinh tế.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang thông tin, Lễ hội Áo dài là một trong những ý tưởng đẹp và sáng tạo của ngành du lịch Thủ đô không chỉ thu hút khách du lịch, mà còn góp sức giữ gìn, tôn vinh và lan tỏa vẻ đẹp của chiếc áo dài truyền thống, quảng bá bản sắc dân tộc của Việt Nam, bởi Lễ hội tôn vinh và bảo tồn nét đẹp văn hóa đặc sắc về tà áo dài truyền thống của dân tộc Việt Nam. Áo dài được xem là biểu tượng văn hóa gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam; là một sản phẩm quà tặng lưu niệm ấn tượng đối với khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam.
Cạnh đó, Lễ hội góp phần tạo một niềm cảm hứng sáng tạo cho các nhà thiết kế nhiều thế hệ trong lĩnh vực thời trang áo dài. Đồng thời khơi dậy tình yêu đối với tà áo dài dân tộc trong cộng đồng, tạo nên hiệu ứng lan tỏa với toàn xã hội, từng bước đưa áo dài lên một tầm vóc mới, trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của Việt Nam – “đại sứ văn hoá và du lịch” không thể không nhắc tới trong không gian toàn cầu của các giá trị di sản, văn hoá và du lịch thế giới.
Hơn ai hết, các bạn trẻ là những người tiếp tục gìn giữ và phát huy nét đẹp của chiếc áo dài dân tộc. Thu Trang, 21 tuổi, sinh viên Trường Đại học Văn hóa hào hứng: “Tôi mong ngóng lễ hội diễn ra. Bởi lễ hội này tôn vinh vẻ đẹp của áo dài truyền thống, nét đẹp và sự tiện dụng của áo dài nhằm đưa áo dài trở thành trang phục quen thuộc của mọi giới, mọi ngành, được lựa chọn sử dụng thường xuyên trong công việc hàng ngày và trong các dịp lễ, sự kiện quan trọng trong năm. Qua đó, góp phần gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung. Chúng tôi dành tình yêu cho chiếc áo dài Việt Nam”.