Nghệ sĩ Nhân dân Đào Trọng Khánh là một nghệ sĩ phim tài liệu tài năng, ông sinh năm 1940 tại Hải Phòng. Ông là một trong số ít những đạo diễn làm phim tài liệu về các vị lãnh tụ, một góc nhìn khác phía sau những con người vĩ đại, chạm tới trái tim công chúng.
- Xúc động những bộ phim khắc họa chân dung Bác Hồ
- “Trend” tìm hiểu lịch sử của giới trẻ: Cơ hội tốt cho người làm nghệ thuật và quản lý văn hóa
Cả cuộc đời đắm đuối với điện ảnh tài liệu, Đào Trọng Khánh đã có một sự nghiệp rực rỡ. Một ngày cuối tháng 9/2023, ông đã chia tay đất và người Hải Phòng…
“Giọt nước giữa đại dương”-
Năm 2015, tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông trong căn nhà nhỏ tại Hải Phòng. Năm đó, ở tuổi 75, ông đoạt giải Cánh Diều Vàng cho bộ phim tài liệu “Giọt nước giữa đại dương” cùng giải cá nhân Đạo diễn xuất sắc nhất. Đó là những thước phim tư liệu đặc biệt quý giá về những cuộc trò chuyện của chính Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Đào Trọng Khánh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ 40 năm trước.
Trước đó, đạo diễn Đào Trọng Khánh đã thực hiện bộ phim “Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Một thế kỷ – Một đời người”. Ông thành công và ghi dấu ấn với những bộ phim về lãnh tụ, những nhân vật kiệt xuất trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao nước ta như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Cố vấn Lê Đức Thọ… Ngoài ra, ông Đào Trọng Khánh còn được mệnh danh là nhà làm phim chuyên dòng phim tài liệu nghệ thuật.
Đại tướng kể lại câu chuyện trong các trận đánh, về thời điểm ông đưa ra những quyết định quan trọng. Một tháng gần bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với đạo diễn Đào Trọng Khánh, mỗi ngày ông lại nhìn thấy những góc khác nhau của một con người vĩ đại. Cùng với đó là 700 phút phim tư liệu quý giá đã được ghi lại.
“Nhớ lại thuở đầu tiên được gặp Đại tướng, quãng những năm 1978, 1979, trông ông hồi đó rất uy nghi, đặc biệt kiểu tóc để dài rất ấn tượng. Sau này vào quay phim tư liệu Đại tướng Giáp, lại thấy ông rất bình dị, tình cảm. Ông không nói nhiều về công việc của một vị tướng. Nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự. Khi vào chiến trận cụ thể, ông có trực giác rất mạnh mẽ. Nhiều tình huống chỉ có trực giác mới giải quyết được”, ông Khánh kể.
Trực giác của ông Giáp thể hiện ở trận đánh Phai Khắt – Nà Ngần, trận Đông Khê và nhất là Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử… Ông Lê Trọng Tấn là một vị tướng tâm đắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ hồi Điện Biên Phủ cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh. Quyết định lập cánh quân thứ 5 tiến về Sài Gòn là một phương án ngoài kế hoạch. Những quyết định nằm ngoài kế hoạch của Đại tướng đều rất hay.
Đó là những câu chuyện lịch sử mà nhiều người đã biết, bên cạnh đó còn nhiều câu chuyện mà có lẽ khi đó Đại tướng mới chia sẻ. Đại tướng đã kể lại những kỷ niệm tuổi thơ, thời còn cắp sách đến trường ở làng quê Quảng Bình, tình cảm với những người thân trong gia đình ông, rồi lần Bác Hồ đi hỏi vợ cho ông…
NSND Đào Trọng Khánh bồi hồi: “Trong căn nhà 30 Hoàng Diệu, đã hơn 40 năm qua, từ khi tôi bắt đầu làm tư liệu về Đại tướng, căn buồng ấy đã trở thành thân thiết với tôi. Đến nay, được làm bộ phim này, giữ được tư liệu gì tôi làm như vậy, thật thà như câu chuyện ông kể cho tôi nghe bằng chiếc máy quay phim cũ kỹ…”.
Còn nhớ Tết Giáp Ngọ 1954 là cái Tết nhiều kỷ niệm thương nhớ nhất với cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi Đại tướng quyết định “đánh chắc, thắng chắc” thay cho “đánh nhanh, thắng nhanh” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. “Suốt đêm 29 Tết, tôi vẫn còn đang tiếp tục theo dõi việc kéo pháo ra. Các đơn vị kéo pháo phải báo cáo lên từng giờ. Gần sáng, các đơn vị kéo pháo báo cáo hoàn thành nhiệm vụ. Sáng mồng 1 Tết, sương lạnh vẫn còn bao phủ khắp núi rừng. Một cảm giác thanh thản tràn ngập trong lòng. Tôi tin rằng, trận đánh năm nay nhất định thắng. Tôi đi sang cơ quan tác chiến chúc Tết anh em: Chúc các đồng chí năm mới mạnh khỏe, giành nhiều thắng lợi! Nhìn ra ngoài trời, hoa ban đã nở trắng trên sườn núi…”.
Và mùa xuân Ất Mão 1975, mùa xuân kỳ diệu nhất trong một thế kỷ, một đời người, mùa xuân toàn thắng của dân tộc Việt Nam. “11 giờ 30 phút, có điện của anh Lê Trọng Tấn báo cáo: Cờ đã cắm trên Dinh Độc Lập. Xúc động trào nước mắt. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Lẫn vào tiếng loa phóng thanh, tiếng reo hò, hoan hô chiến thắng vang dậy khắp phố phường.
Ban đêm, một mình tôi trong phòng làm việc, niềm vui lắng xuống, nước mắt lại trào ra. Tôi nhớ đến mùa xuân năm nào còn ở biên giới ăn cái Tết đầu tiên với Bác Hồ, khi ấy tôi mới 30 tuổi. Cho đến hôm nay”.
Tiếng nói của Đại tướng cứ văng vẳng trong sâu thẳm trái tim NSND Đào Trọng Khánh và ông nhớ một lần được nghe Đại tướng kể: “Tối 30 Tết năm 1946, dưới chân đèo Hải Vân. Xe lên đèo, trời bắt đầu mưa, xung quanh tôi là một biển sương mù, một bên đường là vực sâu, một bên là vách đá dựng đứng, gió qua đèo hun hút. Xe trôi xuống dốc như vào nơi vô tận. Tôi nhìn ra màn đêm thăm thẳm dưới chân đèo, vẫn lập lòe ẩn hiện một ánh đèn, không biết có nhà dân nào còn đang thức đợi giao thừa…”.
Hình ảnh đó làm cho NSND Đào Trọng Khánh nhớ lại ngày Đại tướng đã về nơi đất mẹ. Các em nhỏ thắp những ngọn đèn tiễn đưa ông với một niềm tin mà Đại tướng đã căn dặn: “Niềm tin của Nhân dân như ngọn đèn không tắt. Đừng bao giờ quên cái gốc của mình từ Nhân dân mà ra. Ở nơi đâu, bất cứ hoàn cảnh nào cũng đừng phụ tấm lòng trông đợi của Nhân dân”.
Đó cũng chính là những thước phim cuối cùng của bộ phim “Giọt nước giữa đại dương” mà NSND Đào Trọng Khánh đã dựng để bày tỏ lòng kính trọng với một con người vĩ đại…
Chạm tới những vẻ đẹp nhân văn, bất tử
Thế giới trong phim Đào Trọng Khánh vô cùng nhân ái, hiền hòa như thế. Một thế giới nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi con người sau những bộn bề của cuộc sống. Cả cuộc đời đắm đuối với điện ảnh tài liệu, ông Đào Trọng Khánh đã có một sự nghiệp rực rỡ. Tuy nhiên, trong ông vẫn còn nhiều dự định và khát khao. Ông vẫn muốn làm phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh, một bộ phim nói về chuyện Bác Hồ đã đi bộ từ Liên Xô (cũ) qua sa mạc sang Trung Quốc rồi về lại Việt Nam làm cách mạng Tháng Tám. Ông tâm sự: “Tôi muốn nói rằng, Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ đi bộ nhiều nhất trên thế giới. Thậm chí, tôi được biết những năm cuối đời, Người có ao ước đi bộ vượt Trường Sơn mà không thành”…
Họa sĩ Lê Thiết Cương, người bạn vong niên, gắn bó bên ông luôn nhận định ông là một nhà thơ làm phim và ở ông biệt tài “bắt nét” vô cùng sâu sắc. Ông Cương lấy ví dụ bộ phim về nhà Hậu Lê, ông Khánh đã kết bằng nhận định rằng truyền thuyết Lê Lợi trả lại gươm báu cho thần Kim Quy chính là một bản tuyên ngôn sâu sắc về khát vọng hòa bình của người Việt – khi thắng giặc, bờ cõi bình yên, họ lập tức trả lại gươm báu để về vui với ruộng vườn. Triệu triệu người Việt biết về truyền thuyết ấy, nhưng ai có thể nhìn thấy điều sâu xa mà ông Khánh đã nhìn. Làm phim về Bác Hồ rất khó vì có bao nhiêu người đã làm, nhưng phim về Bác Hồ của ông Đào Trọng Khánh hay ở chỗ nhìn ra được những chi tiết cho thấy sự sâu sắc, gần gũi, rất đời của Bác Hồ. Bộ phim kể chi tiết Bác Hồ một lần về thăm Côn Sơn, Kiếp Bạc, trước khi về lại Hà Nội Bác vào chuyện trò với các cụ bô lão trong xã, đã chỉ khoảng sân rộng trước trụ sở, khuyên các cụ nên trồng một vườn vải, nhắc nhở cháu con không bao giờ để lặp lại những án oan như Lệ Chi Viên.
Chia sẻ về cuộc đời gắn bó với những nhân vật lịch sử, những con người vĩ đại mà vô cùng giản dị, đạo diễn của những thước phim chạm tới tận cùng trái tim công chúng ấy tâm sự: “Tôi làm phim dựa trên cuộc đời và hành xử của các cụ, nhưng như người viết chân dung, hồi ký lãnh tụ, đằng sau nhân vật lịch sử chính là tác giả. Làm phim chân dung, loanh quanh thế nào rồi cũng để trình bày suy nghĩ, tư tưởng và cảm xúc của mình”…
Trước khi đến với điện ảnh, ông Đào Trọng Khánh là một nhà thơ. Đầu những năm 1960, ông trở thành công nhân thành phố Cảng, sau đó nhập ngũ. Từ chiến trường ông về học rồi công tác tại Xưởng phim Thời sự tài liệu (tiền thân của Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương, sau này là Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương) và bắt đầu sự nghiệp của một nhà làm phim tài liệu chuyên nghiệp với những bộ phim đậm chất thơ.
Sau bộ phim cuối cùng “Giọt nước giữa đại dương”, năm 2020, NSND Đào Trọng Khánh, lúc này đã 80 tuổi, đã ra mắt cuốn sách dày 500 trang có tựa đề “Đất và Người”. Cuốn sách ký văn học, bao gồm những câu chuyện về cuộc đời, thời cuộc, về những nhân vật gắn liền với lịch sử, những thước phim mà Đào Trọng Khánh đã làm về lãnh tụ Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp… Không chỉ viết về những nhân vật lịch sử, đó còn là một số bạn bè, văn nghệ sĩ đồng nghiệp như Võ An Ninh, Nguyễn Tư Nghiêm, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Khắc Phục, Ngô Kha, Nguyễn Phan Chánh… Những trang ký họa nhân vật bay bổng, có lẽ đó là lúc ngòi bút của ông thăng hoa nhất. Bởi ở đó, ông cũng gặp chính mình, thời đại của mình.
Không ít người đều nhận định, NSND Đào Trọng Khánh là người duy mĩ. Ông có công trong việc tạo ra những bộ phim tài liệu nghệ thuật thực sự với những hình ảnh đẹp, quý, hiếm, đầy chất thơ và cấu tứ độc đáo với những vẻ đẹp bất tử.
Đạo diễn, NSND Đào Trọng Khánh, bút danh Đào Nguyễn (1940 – 2023). Một số tác phẩm tiêu biểu do ông biên kịch kiêm đạo diễn: “Những khu vườn” và “Đôi mắt Tổ quốc” (giải Biên kịch xuất sắc cho hai phim tại LHP Việt Nam lần thứ VI – năm 1983); “Việt Nam – Hồ Chí Minh” và “Một phần năm mươi giây cuộc đời” (giải Đạo diễn xuất sắc tại LHP Việt Nam lần thứ VII, 1985); “Trở về tuổi xuân trong sáng” và “Hà Nội trong mắt ai” (Giải Biên kịch xuất sắc tại LHP Việt Nam lần thứ VIII, 1988); “Hồ Chí Minh, hình ảnh của Người” (giải Bông Sen Vàng LHP Việt Nam lần thứ IX, 1990); “Hồ Chí Minh với Trung Quốc” (giải Bông Sen Vàng và Đạo diễn xuất sắc) và “Vũ nữ Trà Kiệu” (giải Bông Sen Bạc và Đạo diễn xuất sắc) tại LHP Việt Nam lần thứ XI, 1996. Với cụm phim tài liệu “Một phần năm mươi giây cuộc đời”, “Việt Nam – Hồ Chí Minh”, “Vũ nữ Trà Kiệu”, “Truyền kỳ sự thật”, “Hình bóng tổ tiên”, “Hồ Chí Minh – Hình ảnh của Người”, đạo diễn, NSND Đào Trọng Khánh được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. |