7 tháng đầu năm 2024, Bộ Công Thương đã tiến hành xử lý 247 vụ vi phạm về kinh doanh xăng dầu, trong đó, đáng chú ý, có 3 thương nhân đầu mối (trong tổng số hơn 30 thương nhân đầu mối) cũng nằm trong danh sách vi phạm.
- Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
- Phiên đàm phán lần thứ 8 nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc
Triển khai 1.355 vụ kiểm tra kinh doanh xăng dầu
Theo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), thời gian qua, tình hình kinh doanh mặt hàng xăng dầu tương đối ổn định. Các đơn vị cung ứng, cửa hàng kinh doanh xăng dầu hoạt động bình thường, không có tình trạng đầu cơ, găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu, nghỉ bán xăng dầu không có lý do.
Các cửa hàng cũng thực hiện nghiêm túc quy định về hoá đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, đặc biệt là trong việc lập hoá đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho khách hàng theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và cung cấp dữ liệu hoá đơn điện tử theo quy định.
Từ đầu năm 2024 đến hết tháng 7/2024, Tổng cục đã triển khai kiểm tra 1.355 vụ (trong đó tháng 7 kiểm tra 309 vụ); số vụ xử lý sau 7 tháng 274 vụ (riêng tháng 7 là 54 vụ). Số tiền nộp ngân sách nhà nước (bao gồm số tiền buộc nộp lại bất hợp pháp do thực hiện các hành vi vi phạm hành chính) tháng 7 là trên 1,3 tỷ đồng, lũy kế 7 tháng là hơn 8,3 tỷ đồng.
Theo đại diện Tổng cục QLTT, các hành vi vi phạm chủ yếu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Sử dụng người quản lý hoặc nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định; Mua hoặc bán xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối theo quy định.
Một số vi phạm khác như buôn bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; Kinh doanh xăng dầu mà không có Giấy phép kinh doanh xăng dầu theo quy định; Kinh doanh xăng dầu khi Giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực (chủ yếu với cửa hàng bán lẻ xăng dầu); Không đăng ký thời gian bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định…
Đáng chú ý, 7 tháng qua, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử phạt một số thương nhân đầu mối như Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức; Công ty Cổ phần Appollo Oil; Công ty TNHH Trung Linh Phát. 3 doanh nghiệp này vi phạm pháp luật về điều kiện kinh doanh đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Ngoài ra, qua kiểm tra, lực lượng QLTT cũng đã phát hiện một số doanh nghiệp không còn hoạt động, hoặc đang tạm dừng kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan quản lý.
Vẫn bảo đảm nguồn cung xăng dầu
Ngoài các hoạt động kiểm tra định kỳ hoặc theo chuyên đề liên quan đến hoạt động xăng dầu, từ đầu năm 2024, đã có nhiều thương nhân phân phối bị thu giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu. Mới đây nhất, xuất phát từ công văn đề nghị của thương nhân, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định thu hồi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu của Doanh nghiệp tư nhân Xăng dầu Phước Thạnh (ở huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh). Như vậy, từ đầu năm 2024, Bộ Công Thương đã thu hồi giấy phép của 17 thương nhân phân phối.
Lý giải về tình trạng nhiều thương nhân xăng dầu “trả” giấy phép kinh doanh, bà Nguyễn Thúy Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong nửa đầu năm, thực hiện quy định quản lý nhà nước trong kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối.
Theo quyết định này, các thương nhân phải tiến hành báo cáo việc duy trì điều kiện làm thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu theo quy định. Qua báo cáo, rà soát, nhiều thương nhân phân phối đã không duy trì được điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu theo quy định. Từ đó, nhiều thương nhân đã có văn bản đề nghị thu hồi giấy phép. Hiện việc kiểm tra điều kiện kinh doanh vẫn đang tiếp tục thực hiện với nhiều thương nhân khác.
Tuy nhiên, bà Hiền khẳng định, việc kiểm tra này không liên quan và không ảnh hưởng đến tổng nguồn xăng dầu trong nước. Cụ thể, theo bà Hiền, căn cứ vào kế hoạch phân giao và sản xuất của 2 nhà máy trong nước, trong các tháng cuối năm 2024, tổng nguồn cung xăng dầu đến cuối năm sẽ đủ cho kế hoạch dự kiến tiêu thụ.
Bộ Công Thương cũng khẳng định, vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu giảm so với trước. Nguyên nhân là thời gian qua QLTT đồng loạt thực hiện quyết liệt việc kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm; Mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh xăng dầu hiện nay đủ sức răn đe nên đã phát huy tác dụng, đã góp phần hạn chế vi phạm trong hoạt động xăng dầu.
Hoàng Tú