Tuần này đánh dấu những ngày lễ quốc tế quan trọng, nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm chung trong việc xây dựng một thế giới công bằng, tôn trọng nhân quyền và bảo vệ môi trường tự nhiên.
- Ngày đặc biệt với Tổng thống Nga Putin
- Hà Nội hào hùng “năm cửa ô tiến về”
- Rơi trực thăng của Tổng thống Zimbabwe
Ngày Quốc tế chống Tham nhũng (IACD) (9/12)
IACD (International Anti-Corruption Day), hay Ngày Quốc tế Chống Tham nhũng, được tổ chức hàng năm vào ngày 9 tháng 12, kể từ khi thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng vào ngày 31 Tháng 10 năm 2003.
Liên hợp quốc tổ chức ngày quốc tế với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về tham nhũng, hối lộ và các mối quan tâm liên quan và công nhận những người tích cực đóng góp phòng chống tham nhũng trong chính phủ và cộng đồng của họ.
Theo đó, tham nhũng được coi là một hành vi đáng lên án và cần được xử phạt nghiêm minh.
Đây là ngày nâng cao nhận thức của công chúng về tác hại của tham nhũng và tôn vinh những người đấu tranh chống lại tham nhũng trong cộng đồng và trong các cơ quan chính phủ.
Ngày Nhân quyền Quốc tế (10/12)
Những hậu quả mà cuộc chiến tranh thế giới thứ hai gây ra đã thức tỉnh nhân loại về một nhiệm vụ chung là bảo vệ hòa bình, tôn trọng độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và quyền con người, đây được xem là một nhu cầu cấp bách của cộng đồng quốc tế.
Vì vậy, ngay sau khi được thành lập (24/10/1945), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền” vào ngày 10/12/1948.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công bố bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (1948) này như một tiêu chuẩn thực hiện chung cho tất cả các dân tộc và quốc gia, sao cho mỗi cá nhân và đoàn thể xã hội luôn nhớ tới bản tuyên ngôn này, nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này bằng học vấn và giáo dục, và bằng những biện pháp lũy tiến trên bình diện quốc gia và quốc tế, bảo đảm sự thừa nhận và thực thi trên toàn cầu các quyền tự do này cho các dân tộc thuộc các quốc gia hội viên hay thuộc các lãnh thổ bị giám hộ.
Bản Tuyên ngôn, với 30 điều khoản ngắn gọn, rất hữu ích và tiện lợi cho mục đích giáo dục nhân quyền. Đến năm 1950, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 423 (V), tại phiên họp thứ 317, chính thức kêu gọi mọi quốc gia thành viên và các tổ chức quan tâm kỷ niệm ngày 10 tháng 12 Ngày Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Day) bằng các phương thức khác nhau.
Hàng năm, Ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12 được kỷ niệm ở nhiều quy mô khác nhau tại khắp nơi trên thế giới. Nhân ngày này, nhiều tổ chức và các cá nhân bảo vệ nhân quyền cũng thường ra tuyên bố, thông cáo trình bày quan điểm.
Ngày Núi Quốc tế (11/12)
Với Nghị quyết 57/245, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố lấy ngày 11/12 hàng năm để kỷ niệm Ngày Núi quốc tế, nhằm vận động ở tất cả các cấp lưu ý về tầm quan trọng của sự phát triển bền vững các ngọn núi.
Núi được đặc trưng bởi sự đa dạng khắc nghiệt, từ rừng mưa nhiệt đới cho đến băng vĩnh cửu và tuyết, khí hậu nơi có lượng mưa hàng năm lên tới 12m cho tới những vùng sa mạc, và mực nước biển lên đến 9.000m. Đây cũng là những tháp nước của thế giới – cung cấp nước ngọt cho ít nhất một nửa dân số của hành tinh. Tuy nhiên, những ngọn núi cũng là môi trường có nguy cơ cao: Tuyết lở, sạt lở đất, núi lửa phun trào, động đất và lũ lụt do các hồ băng bị vỡ đe dọa tới cuộc sống trong các khu vực miền núi và các vùng lân cận. Núi đóng một vai trò quan trọng trong những tác động đến khí hậu toàn cầu và khu vực cũng như các điều kiện thời tiết.
Theo đánh giá của Liên hợp quốc, núi không chỉ đóng góp cho việc nuôi sống và sự sung túc của khoảng 720 triệu người hiện đang sống trong các khu vực miền núi trên khắp thế giới, mà còn cung cấp rất nhiều lợi ích gián tiếp cho hàng tỷ người sinh sống trong các khu vực hạ lưu. Núi cung cấp nước ngọt, năng lượng và thực phẩm – những nguồn lực được đánh giá là sẽ rất khan hiếm trong các thập kỷ tới.