Giữa bom đạn chiến trường khốc liệt, vẫn còn đó khúc ca hào hùng, bi tráng của một thời kỳ kháng chiến cứu nước. Có rất nhiều ca sĩ hát dòng nhạc cách mạng được nhiều người biết đến như Trần Hiếu, Lê Dung, Tường Vi, Thanh Huyền… Nhưng có những cái tên thuộc hàng ngũ tiên phong, trở thành “bậc tiền bối”, đàn anh, đàn chị cho dòng nhạc đỏ một thời.
“Tiếng sơn ca” trên chiến trường
Đi đầu trong dòng nhạc cách mạng, có lẽ chính là nam ca sĩ Quốc Hương. Ông tên thật là Nguyễn Quốc Hương, sinh vào tháng 8 năm 1915 tại Ninh Bình. Ngày còn thơ ấu, ông sống trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật. Theo nhiều người quen biết ông kể lại, thuở nhỏ, gia cảnh nhà ông cũng bình dị như bao người khác, nhưng đến năm 17 tuổi, không biết do nguyên cớ nào, ông lưu lạc rồi vào Sài Gòn sinh sống, làm nhiều công việc khác nhau để mưu sinh như công nhân xe lửa, thủy thủ tàu, phu khuân vác,…
Tại Sài Gòn, ông nhanh chóng hòa mình vào xu thế cách mạng lúc bấy giờ. Vào năm 1944, ông cũng là một trong những ca sĩ đầu tiên hát vang bài “Tiếng gọi thanh niên” của Lưu Hữu Phước tại rạp Nguyễn Văn Hảo, Sài Gòn. Tiếng hát là tài sản quý nhất mà ông cống hiến cho cách mạng. Giọng hát của chàng trai Quốc Hương năm 20 tuổi hào hùng, khí thế và nhiệt huyết đã dẫn bước đưa ông đến với thành công, đóng góp lớn trong tương lai. Vào năm 1945, ông tham gia ban Tuyên truyền Sài Gòn – Chợ Lớn với nhiệm vụ là ca hát. Khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ tại Nam kỳ, ông gia nhập Vệ quốc đoàn, làm Tiểu đội trưởng. Giọng ca của ông lúc bấy giờ không cất lên ở trên những sân khấu hoa lệ mà vang vọng ở khắp các chiến trường Khu VII, Khu VIII, Khu IX. Thời gian này ông còn tham gia dạy lớp nhạc do Quân khu XI mở.
Bên cạnh cái tên Quốc Hương, nữ ca sĩ Thương Huyền là một nàng “oanh ca” nổi tiếng trong dòng nhạc cách mạng. Thương Huyền tên thật là Nguyễn Thị Thường, bà sinh năm 1923 (hoặc 1925) tại mảnh đất Đan Phượng, Hà Nội. Khác với Quốc Hương, từ nhỏ bà được sống trong sự bao bọc, yêu thương của gia đình. Khi trưởng thành, tài năng âm nhạc của Thương Huyền cũng sớm được nhiều nhạc sĩ lúc bấy giờ phát hiện. Trong đó có cố nhạc sĩ Phạm Duy, bà là “nàng thơ” của ông trước cả Thái Thanh, Thái Hằng. Thương Huyền nổi tiếng trong dòng nhạc tân thời vào những năm 40 của thế kỷ trước. Bà được đánh giá là một người phụ nữ cá tính, phóng khoáng và tài năng. Sau Cách mạng tháng Tám, Thương Huyền trở thành một trong những ca sĩ đầu tiên đi theo cách mạng. Tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, bà đã hát 2 ca khúc “Suối mơ” và “Thiên thai” trong buổi khai mạc chương trình Tuần lễ Vàng và Hũ gạo cứu đói do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Sau khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Thương Huyền tham gia Đoàn Kịch Giải phóng, cùng nhiều cây đại thụ khác như Song Kim, Lưu Bách Thụ, Phạm Văn Đôn, Phạm Duy, Phạm Đình Viêm, Văn Cao,… Suốt năm 1947, bà cùng các ca sĩ, nhạc sĩ đi hát ở khắp các chiến trường. Giọng ca khỏe khoắn, mạnh mẽ, cá tính của bà được rất nhiều người mến mộ. Đặc biệt, bà hát nhiều thể loại khác nhau từ nhạc tân thời, nhạc cách mạng cho đến nhạc dân gian truyền thống.
Người cuối cùng được kể đến, có lẽ là ca sĩ Trần Khánh, ông gắn liền với cái tên mỹ miều như “giọng hát mang mùa xuân”, “con chim sơn ca của chiến trường”. Trần Khánh sinh năm 1931 tại Hải Phòng, ông tham gia cách mạng từ rất sớm, khi mới chỉ là đứa trẻ mười tuổi. Tên tuổi của ông thường gắn liền với nhạc sĩ Văn Cao hoặc các câu chuyện chiến đấu ly kỳ, hấp dẫn. Như vào năm 1945, khi nạn đói xảy ra tại miền Bắc Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam phát động phong trào cứu đói, được đông đảo các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng. Trong một lần chuẩn bị cho đợt tuyên truyền cứu đói, ông vô tình hát thử bài “Bạch Đằng Giang” (một sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao), đúng lúc Văn Cao nghe thấy. Mê mẩn giọng nam cao của chàng trai trẻ, đích thân nhạc sĩ Văn Cao sau đó đã giao cho ông thêm hai bài hát nữa và đệm đàn cho Trần Khánh hát. Ca sĩ Trần Khánh bắt đầu nổi tiếng từ đó.
Bằng giọng ca thiên phú trời ban, ông cất cao tiếng hát của mình ở những chiến trường khốc liệt nhất. Bên cạnh thành công về âm nhạc, ông là một người chiến sĩ cách mạng hết lòng vì dân, vì nước. Từ năm mười hai, mười ba tuổi, ông đã tham gia vào trận đánh ở Đèo Cả, bị địch bắt vào Nhà tù Hỏa Lò, chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ,…
Những ca khúc để đời và nỗ lực không ngừng nghỉ
Phần lớn những ca sĩ nhạc đỏ đời đầu như Quốc Hương, Trần Khánh, Thương Huyền đều không được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp mà trải qua nhiều quá trình tự học, phấn đấu, nỗ lực để hoàn thiện bản thân mình. Họ cũng đã có rất nhiều bài hát để đời, ghi dấu một thời kỳ vàng son của đất nước Việt Nam.
Quốc Hương có một giọng hát giản dị, đầy nhiệt huyết. Nhiều thế hệ ca sĩ đã chịu ảnh hưởng của ông. Ông cũng trực tiếp dạy cho nhiều nghệ sĩ, như nhạc sĩ, nghệ sĩ Thế Hiển, Tuấn Phong… Có nhiều ca khúc gắn với tên tuổi ông như: “Tình ca” (Hoàng Việt), “Bình Trị Thiên khói lửa” (Nguyễn Văn Thương), “Đất quê ta mênh mông” (Hoàng Hiệp – Dương Hương Ly), “Hà Tây quê lụa” (Nhật Lai), “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người” (Trần Kiết Tường), “Những ánh sao đêm” (Phan Huỳnh Điểu), “Cuộc đời vẫn đẹp sao” (Phan Huỳnh Điểu – Bùi Minh Quốc), “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó” (Nguyễn Tài Tuệ), “Tôi người lái xe” (An Chung), “Cùng hành quân đi giữa mùa xuân” (Cẩm La)… Những ca khúc này đều được phát sóng rộng rãi trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong đó, Tiểu đoàn 307 (nhạc Nguyễn Hữu Trí – thơ Nguyễn Bính) là bài hát tiêu biểu nhất của Quốc Hương. Giọng hát hào hùng, khí thế lạc quan của ông được đánh giá rất phù hợp với ca khúc này. Vào thời bấy giờ, khán giả đã gọi ông bằng cái tên trìu mến: “Ông Ba lẻ bảy”.
Tuy có một chất giọng thiên phú, nhưng Quốc Hương vẫn luôn nỗ lực cải thiện giọng hát, phục vụ công chúng và kháng chiến. Vào những năm 50, ông từng có thời gian tu nghiệp, học tập tại Nhạc viện Budapest, Hungary. Một giai thoại khá thú vị, được mọi người lưu truyền, đó là trong chuyến đi này ông đã gặp và được Giáo sư Tito Schipa – một trong 3 giọng tenor huyền thoại của Ý – chỉ bảo. Sau khi về nước, ông làm việc tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, Quốc Hương vẫn đi vào các chiến trường để tiếp tục ca hát phục vụ các chiến sĩ. Sau khi đất nước thống nhất, ông chuyển vào TP Hồ Chí Minh làm ca sĩ cho đoàn nghệ thuật Bông Sen. Thời gian này, dù đã lớn tuổi nhưng Quốc Hương vẫn tiếp tục công việc ca hát và giảng dạy của mình. Năm 1984, Quốc Hương được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đợt 1.
Đối với ca sĩ Thương Huyền, một “cây đa, cây đề” trong làng âm nhạc Việt Nam, bà có hàng loạt những ca khúc để đời như “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi), “Cảm tử quân” (Hoàng Quý), “Mơ đời chiến sĩ” (Lương Ngọc Trác), “Đoàn Vệ quốc quân” (Phan Huỳnh Điểu), “Sông Lô”, “Làng tôi”, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” (Văn Cao), “Du kích sông Thao” (Đỗ Nhuận)… Trong thời gian này, Thương Huyền là “ngôi sao” tại Đài Tiếng nói Việt Nam, tiếng hát của bà trở thành một phần lịch sử, một phần ký ức của người dân.
Đặc biệt, bà là người luôn cố gắng để hoàn thiện giọng ca của mình. Với giọng nữ khỏe, giàu cảm xúc, chuẩn về thanh điệu, cao độ, bà hát được rất nhiều thể loại. Để phục vụ Nhân dân, bà đã đi học hỏi thêm những làn điệu dân ca, hát chèo của các nghệ sĩ lão thành như Năm Ngũ, Dịu Hương… Từ đó, Thương Huyền đem lối hát dân ca “thổi” vào cách mạng, giúp nhạc cách mạng mang được hồn điệu dân tộc sắc nét, tình cảm hơn. Tiếng hát Thương Huyền chân thành, mộc mạc và in đậm dấu ấn dân tộc.
Nhạc sĩ Trần Khánh, tên tuổi của ông đã gắn liền với hàng loạt ca khúc nhạc đỏ huyền thoại như “Ba Đình nắng” (Bùi Công Kỳ, thơ Vũ Hoàng Địch), “Bình Trị Thiên khói lửa” (Nguyễn Văn Thương), “Người là niềm tin tất thắng” (Chu Minh), “Tôi là người thợ lò”, “Người chiến sĩ ấy” hay hợp xướng “Hồi tưởng” (đều của Hoàng Vân), hay những bài ca về hai thành phố của đời ông: “Thành phố Hoa phượng đỏ” (Lương Vĩnh – Hải Như) và “Hà Nội niềm tin và hy vọng” (Phan Nhân),…
Giọng ca của ông vang vọng trên khắp các chiến trường, trên loa đài. Dù phận đời có trôi nổi, nhiều thăng trầm như việc từng bị cả quân địch, quân ta bắt (do hiểu lầm), nhưng giọng ca của Trần Khánh vẫn trong sáng, tràn đầy hy vọng vào thắng lợi của cách mạng. Vào năm 1972, ông đã cất vang lời ca bài hát “Hà Nội niềm tin và hy vọng” trên khắp các loa đài Việt Nam. Hàng chục năm đã qua đi, nhưng cảm xúc hạnh phúc, lạc quan vẫn in đậm trong từng thanh âm của bài ca, khiến không một ca sĩ nào có thay thế được ông.
Sau này, bởi nhiều lý do khác nhau, Trần Khánh phải làm lao động tự do, nhưng ông vẫn đem tiếng hát của mình đi khắp nơi từ các trường đại học, cơ quan, đài tiếng nói,… Chất giọng nam cao trong sáng, hào hùng của ông chưa bao giờ phai mờ, mà luôn hào hùng, mạnh mẽ như thuở ban đầu.