Năm học 2024 – 2025 là năm cuối về đích sách giáo khoa (SGK) theo chương trình đổi mới giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018. Điều này được nhiều phụ huynh, giáo viên mong đợi. Tuy nhiên, dư luận quan tâm tình trạng thiếu dân chủ, định hướng giáo viên trong lựa chọn SGK, làm “vô hiệu hóa” chương trình đổi mới, ảnh hưởng chất lượng GDPT.
- Làm rõ nguyên nhân vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng khiến 14 người chết ở Cầu Giấy
- Công an Hà Nội thông tin vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng khiến 14 người tử vong ở Cầu Giấy
Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình GDPT và SGK này sẽ được thẩm định, phê duyệt công bằng với SGK do Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn. Từ đó, các cơ sở GDPT có thể lựa chọn sách dựa trên ý kiến của giáo viên, phụ huynh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Năm học 2020 – 2021 bắt đầu triển khai lựa chọn SGK lớp 1. Từ năm học 2021 – 2022 đến năm học 2023 – 2024, các địa phương thực hiện chọn xen kẽ SGK theo Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT. Thông tư này trao quyền quyết định việc lựa chọn SGK cho Hội đồng cấp tỉnh. Từ năm học 2024 – 2025 lại áp dụng Thông tư số 27 của Bộ GD&ĐT, quyền lựa chọn SGK được “trả lại” cho nhà trường. Hiện các địa phương đang ráo riết thực hiện việc chọn lựa để kịp thời phục vụ năm học mới.
Tuy nhiên, thời gian qua, tại nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng chỉ chọn một quyển SGK cho mỗi môn học. Có trường hợp xen kẽ SGK của các nhà xuất bản (NXB) nhưng mỗi môn học, một khối lớp cũng chỉ sử dụng 1 SGK, không đúng theo tinh thần của Nghị quyết Quốc hội ban hành. Theo nhận định của các chuyên gia, đây là việc làm không đúng với tinh thần “có một số SGK cho mỗi môn học” tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT.
Đồng thời, giới chuyên môn còn cho rằng, việc địa phương bắt buộc hoặc định hướng 100% các trường trên địa bàn phải chọn cùng 1 bộ SGK hoặc xen kẽ SGK của các NXB nhưng mỗi môn học, một khối lớp cũng chỉ sử dụng 1 SGK là không đúng theo tinh thần của Nghị quyết Quốc hội ban hành, đi ngược với mục tiêu của việc Quốc hội quyết định cho phép xã hội hóa biên soạn và có nhiều SGK để các nhà trường lựa chọn. Do vậy, cần tôn trọng quyết định của giáo viên, cơ sở giáo dục trong việc lựa chọn SGK bởi giáo viên, nhà trường chính là người hiểu cuốn sách nào phù hợp nhất và chịu trách nhiệm chính về chất lượng giáo dục của học sinh, của nhà trường.
Ông Trần Thanh Bình – Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết, cùng với cả nước, từ năm học 2020 – 2021 đến năm học 2023 – 2024, việc tổ chức lựa chọn SGK theo Chương trình GDPT 2018 của thành phố triển khai thực hiện theo lộ trình được quy định. Kết quả lựa chọn nhận được sự đồng tình của đội ngũ nhà giáo, phụ huynh học sinh và được các cơ sở giáo dục triển khai hiệu quả trong 04 năm học. Năm học 2024 – 2025, các địa phương chỉ đạo cơ sở giáo dục thực hiện đúng quy trình lựa chọn SGK theo Thông tư 27 sẽ không xảy ra tình trạng trên địa bàn tỉnh chỉ chọn, sử dụng duy nhất 01 bộ SGK/khối lớp của một NXB. Bình quân tỷ lệ lựa chọn các bộ SGK trên địa bàn TP Cần Thơ có sự phân bố đầy đủ ở các bộ SGK chứ không có tình trạng cả thành phố chỉ sử dụng một bộ SGK.
Theo ông Bình, việc thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK “có một số SGK cho mỗi môn học” là hướng đi đúng đắn, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho xã hội. Trong một tỉnh/thành phố nên chọn một số SGK cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục. “Việc chọn nhiều SGK khác nhau để sử dụng, bước đầu thể hiện tính dân chủ, minh bạch trong quá trình lựa chọn, sử dụng SGK, thể hiện được sự tôn trọng việc lựa chọn SGK của giáo viên, của cơ sở giáo dục. Nếu trong tỉnh/thành phố chỉ chọn 1 SGK cho 1 môn học sẽ làm hạn chế tính “mở” của SGK, giáo viên hạn chế sử dụng những ngữ liệu khác nhau của các bộ sách khác nhau”, ông Bình nhấn mạnh.