Sạt lở ven sông lúc nửa đêm gây ảnh hưởng đời sống hàng chục hộ dân sống cạnh đường Lê Thị Hồng Gấm qua địa bàn khóm 6, phường 5, TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu). Người dân thấp thỏm mong các cấp sớm có giải pháp để ổn định lâu dài cuộc sống…
- Cháy lán tạm ở quận Cầu Giấy, Hà Nội
- Tin mới nhất vụ 4 nữ tiếp viên xách ma túy về Tân Sơn Nhất: Khởi tố 318 vụ án, 961 bị can
Sạt lở diễn biến phức tạp
Ông Lai Thanh Ẩn – Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu cho biết, từ nửa đêm 20/6, đoạn đường Lê Thị Hồng Gấm qua địa bàn khóm 6, phường 5, TP Bạc Liêu, xảy ra sạt lở, khiến một số nhà dân xuất hiện nhiều vết nứt, vách tường bị xé, nền hạ bị nghiêng, sụt lún về phía sông Cà Mau – Bạc Liêu. Sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân sống khu vực này.
Tính đến chiều tối 23/6, có 39 căn nhà bị ảnh hưởng trong phạm vi chiều dài sạt lở 800m. Trong đó, 10 hộ dân bị ảnh hưởng nặng, phải di dời người và tài sản đến nơi khác (thuê nhà trọ, đến nhà người thân), 29 hộ dân còn lại theo dõi tình hình, nếu chiều hướng phức tạp hơn cũng sẽ di dời người và tài sản đến nơi an toàn.
“Tôi đã 56 tuổi, lần đầu tiên trong đời thấy sạt lở gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và tài sản người dân nghiêm trọng như vậy. Sạt lở lại xuất hiện vào ban đêm. Chúng tôi rất mong muốn các cấp sớm có giải pháp để ổn định lâu dài cuộc sống”, ông Huỳnh Đức Thắng (ở đường Lê Thị Hồng Gấm, phường 5, TP Bạc Liêu) bày tỏ.
Kiểm tra hiện trường, cơ quan chức năng bước đầu nhận định, đoạn bờ sông Cà Mau – Bạc Liêu sạt lở do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thi công nạo vét sông Cà Mau – Bạc Liêu tại khu vực này. Thời điểm xảy ra sạt lở là thời kỳ triều kém, cao trình mực nước trên sông Cà Mau – Bạc Liêu xuống thấp, tải trọng trên bờ (cộng thêm mưa làm đất bão hòa nước) dẫn đến sạt lở.
Đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Giao thông Sài Gòn 99 phối hợp với UBND phường 5 (TP Bạc Liêu) hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng nặng 5 triệu đồng/hộ. Chính quyền địa phương đã kịp thời cử lực lượng xuống địa bàn giúp các hộ dân dọn dẹp hiện trường thiệt hại, di dời đồ đạc ở các hộ có nguy cơ sạt lở và tiến hành cắm biển cảnh báo nguy cơ sạt lở. Cùng với đó, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại để tiến hành hỗ trợ cho các hộ dân sớm khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống, sản xuất…
Tìm giải pháp lâu dài
Theo ông Trần Minh Hải – Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu, sau khi sự cố sạt lở xảy ra, thành phố đã thành lập 6 tổ để thống kê, đánh giá tình hình sụt lún, sạt lở và mức độ thiệt hại của các hộ dân; đồng thời tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình sạt lở trong thời gian tới…
Để chủ động phòng, chống, hạn chế tối đa thiệt hại sạt lở, ông Phạm Văn Thiều – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu, các sở, ngành, địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền cho Nhân dân sống ở ven sông chủ động phòng, tránh, không nên lấn chiếm lòng sông để xây dựng các công trình, nhà ở… Đặc biệt, các địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng sụt lún và sạt lở cần khẩn trương rà soát tất cả điểm có nguy cơ sạt lở để có hướng chủ động cảnh báo sớm nhất.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương phải rà soát cụ thể từng nhà, nếu cần thiết xem xét di dời các hộ có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn và giải quyết kịp thời chế độ theo quy định về an sinh xã hội, kiên quyết không để người dân ở tại các điểm sạt lở hiện nay…