Luật Phòng, chống mua bán người vừa được Quốc hội thông qua, góp phần tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người trong giai đoạn tới.
- Giải cứu 3 nạn nhân khỏi tay kẻ “buôn người”
- Giải cứu 2 thiếu niên 17 tuổi khỏi tay nhóm buôn người
- Giải cứu một nạn nhân bị lừa lao động sang Campuchia
Nạn nhân mua bán người ngày càng đa dạng
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 98 vụ án mua, bán người, 234 đối tượng liên quan đến hành vi mua, bán người. Số vụ mua, bán người được phát hiện, khởi tố mới tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023; 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 98 vụ, 234 đối tượng; xác định 246 nạn nhân… Báo cáo toàn cầu về mua bán người gần đây nhất của Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) cho thấy một hiện thực đáng buồn, cứ 3 nạn nhân mua bán người trên thế giới lại có 1 nạn nhân là trẻ em. Trẻ em là đối tượng của nhiều hình thức mua bán khác nhau, bao gồm: bóc lột lao động, ép buộc phạm tội hoặc ăn xin, mua bán để làm con nuôi bất hợp pháp, bóc lột tình dục và lạm dụng tình dục trực tuyến.
Nếu như trước đây, nạn nhân của mua bán người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái, thì những năm gần đây có nhiều nạn nhân là nam giới trong độ tuổi thanh, thiếu niên, bên cạnh đó trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng cũng trở thành đối tượng của hành vi mua bán người. Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV, Đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) cho biết, thời gian trước đây, hoạt động mua bán người xảy ra chủ yếu ở đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế. Tuy nhiên, gần đây, ở nhiều vùng khác, tình hình mua bán người xảy ra rất nghiêm trọng và phức tạp. Với thủ đoạn lừa việc nhẹ, lương cao, đối tượng mua bán người đã đưa nhiều nam giới trong độ tuổi thanh, thiếu niên qua biên giới, nhất là sang Campuchia để cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản.
Thách thức đối với công tác phòng, chống mua bán người
Đảng, Nhà nước xác định phòng, chống mua bán người là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa loạt tội phạm này. Chính phủ và Thủ tướng đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy thực thi tốt hơn nữa vấn đề này mà trực tiếp là chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2030. Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố đã quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Từ góc độ của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ đã đạt được các kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện chương trình phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán theo Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 9/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 525/QĐ-LĐTBXH ngày 05/5/2021 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về ban hành Kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2023; hệ thống văn bản chính sách, pháp luật ngày càng hoàn thiện; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ từ trung ương đến địa phương; công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức được tập trung triển khai; chú trọng tập huấn nâng cao năng lực; công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân được triển khai hiệu quả; và thúc đẩy mạnh sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thùy Dương – Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, tội phạm mua bán người thường hoạt động dưới các băng đảng thông qua các mối quan hệ phức tạp ở nhiều quốc gia, với những thủ đoạn tinh vi, được che đậy dưới vỏ bọc là tình nguyện viên trong các trại tị nạn, các cơ sở y tế tư nhân, các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và thông qua nền tảng kỹ thuật số để tiếp cận, dụ dỗ, bắt cóc các nạn nhân… Vì thế, công tác phòng, chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân nói riêng trong bối cảnh hiện nay bên cạnh các kết quả đạt được, dự báo vẫn còn nhiều thách thức.
Pháp luật là “tấm khiên” ngăn chặn mua bán người, bảo vệ nạn nhân
Ngày 28/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, với 454/455 (tỉ lệ 94,78%) đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Luật Phòng, chống mua bán người đã được Quốc hội thông qua, góp phần tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người trong giai đoạn tới.
Luật Phòng, chống mua bán người tiếp tục xác định công tác phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, thường xuyên và kiên trì thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc, mọi địa bàn. Hoạt động phòng, chống mua bán người được lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; giải quyết tốt những vấn đề cơ bản về an sinh xã hội, an dân; phát huy hiệu quả vai trò các tổ chức quần chúng để bảo vệ phụ nữ, trẻ em, nhất là tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, luật cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn, hướng dẫn; nhân rộng các phong trào, mô hình, sáng kiến tốt với các hình thức phù hợp với từng vùng, miền, đối tượng; chú trọng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và kỹ năng giúp trẻ em, phụ nữ, người yếu thế nhận diện và tự bảo vệ, bảo vệ người thân, không để các đối tượng tội phạm lợi dụng, lôi kéo; thực hiện quyết liệt các kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn tội phạm; nhanh chóng điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các đối tượng mua bán người; tăng cường quản lý, chủ động giúp đỡ, giáo dục, hỗ trợ, tạo công ăn việc làm để trẻ em, phụ nữ, người có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa không bị lợi dụng, dụ dỗ tham gia các hoạt động phạm tội hoặc trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người…
Nhân rộng các mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em, thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã nghiên cứu xây dựng, thí điểm và nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả về an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Tiêu biểu như mô hình “Ngôi nhà Bình yên” của Trung ương Hội, kể từ khi thành lập năm 2007 đến nay đã tiếp nhận tạm lánh cho hơn 1.700 người, trong đó có 463 nạn nhân mua bán người, gồm 159 trẻ em. Bên cạnh đó là các mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng, câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc, mô hình Dịch vụ gia đình… cũng đã phát huy hiệu quả trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nuôi dưỡng trẻ em.
Từ góc độ của ngành LĐ-TB&XH, theo báo cáo từ các Sở LĐ-TB&XH, nửa đầu năm 2024, số người được tiếp nhận, xác minh là 85 người; xác định 47 người là nạn nhân bị mua bán, hỗ trợ cho 58 người (bao gồm cả những người nghi là nạn nhân). Căn cứ nhu cầu, nguyện vọng của nạn nhân, các lực lượng chức năng đã thực hiện bảo vệ an toàn cho 38 người, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho 18 người, hỗ trợ chi phí đi lại cho 14 người, hỗ trợ y tế cho 11 người, hỗ trợ tâm lý cho 32 người, trợ giúp pháp lý cho 27 người, trợ cấp khó khăn ban đầu cho 4 người theo quy định của pháp luật. Các câu lạc bộ, đội nhóm tại các cơ sở như Lá chắn, Đồng cảm, Câu lạc bộ Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội, Tổ tư vấn cộng đồng… tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả để tư vấn, hỗ trợ pháp lý về các vấn đề xã hội, nhất là liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái nhằm nâng cao nhận thức về hôn nhân có yếu tố nước ngoài và phòng, chống mua bán người. Nhân rộng các mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng, tạo điều kiện để nạn nhân bị mua bán được tham gia các chương trình hỗ trợ vay vốn ở địa phương, tạo việc làm để nạn nhân và gia đình ổn định cuộc sống, phòng ngừa bị tái mua bán.
Với nguyên tắc “lấy nạn nhân làm trung tâm”, công tác xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được các Bộ, ngành, Trung ương và địa phương đặc biệt quan tâm. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Bộ LĐ-TB&XH đã ký kết, triển khai quy chế phối hợp liên ngành trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán…