Trong vài năm trở lại đây, thị trường phim Việt không thiếu những bộ phim đầu tư hàng trăm tỷ đồng, thu hút người xem với các cảnh quay mãn nhãn. Tuy nhiên, một thực tế, những bộ phim “bom tấn” của Việt Nam còn nghèo nàn về nội dung, ý nghĩa và “lép vế” trước phim nước ngoài.
- “Đánh thức” tiềm năng phát triển du lịch qua điện ảnh
- Loạt tác phẩm đình đám của “ông hoàng kinh dị” M. Night Shyamalan
“Yếu thế” trước phim nước ngoài
Vào năm 2023, theo thống kê, Việt Nam có khoảng hơn 25 tác phẩm ra mắt, doanh thu phim Việt vượt mốc 1.500 tỷ đồng. Nhưng chỉ có một số bộ phim đạt doanh thu cao. Như “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” thu về gần 280 tỷ đồng, “Siêu lừa gặp siêu lầy” đạt doanh thu hơn 120 tỷ đồng,….
Vẫn còn đó hàng chục bộ phim khác thua lỗ trăm tỷ đồng dù được đầu tư công phu, bài bản. Như Phim “Thành phố ngủ gật” chỉ thu được 230 triệu đồng, “Bên trong vỏ kén” đạt doanh thu hơn một tỷ đồng. Đây đều là dòng phim được đầu tư về kịch bản, góc quay nghệ thuật nhưng không phù hợp với thị hiếu người xem.
Đến năm 2024, thị trường phim điện ảnh Việt Nam nửa đầu năm rất sôi động với hàng loạt bộ phim mới được ra mắt. Trong đó có những phim đạt doanh thu trăm tỷ, đem lại tiếng vang lớn. Ví như phim “Mai” của Trấn Thành phá kỷ lục phòng vé với hơn 550 tỷ đồng, “Gặp lại chị bầu” của Nhất Trung cán mốc gần 93 tỷ đồng (theo số liệu của Box Office Vietnam).
Tuy nhiên, sau thành công của phim “Mai” và “Gặp lại chị bầu”, điện ảnh Việt Nam lặp lại chuỗi ngày “ế ẩm” dài hạn. Phim “Đóa hồng mong manh” của Mai Thu Huyền chỉ thu về 394 triệu đồng sau gần 2 tuần ra rạp. Theo nhà sản xuất, dự án cần đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng mới hòa vốn vì chi phí đầu tư, sản xuất rất tốn kém. “Quý cô thừa kế”, tác phẩm của vợ chồng diễn viên Trang Nhung, đạo diễn Hoàng Duy thực hiện – rời rạp khi chỉ thu được hơn 6 tỷ đồng, phim cần phải đạt 40 tỷ đồng mới hòa vốn.
Trong khi đó, phim nước ngoài chiếu tại các rạp ở Việt Nam luôn “làm mưa, làm gió”, đạt doanh thu hàng trăm tỷ và nhận lại nhiều lời khen “có cánh”. Lấy ví dụ chỉ trong ba tháng đầu năm, bộ phim “Quật mộ trùng ma” của Hàn Quốc trở thành “cơn sốt”, khiến nhà nhà, người đổ đi xem ở các rạp. Bộ phim nhanh chóng đạt doanh thu 211 tỷ đồng ở thị trường Việt Nam. Tương tự, những bộ phim như “Godzilla x Kong: Đế chế mới” đạt doanh thu 135 tỷ đồng, “Những mảnh ghép cảm xúc 2” đạt 87 tỉ đồng, “Despicable Me 4” (Kẻ trộm mặt trăng 4) thu về khoảng 129,8 tỉ đồng,…
Có thể nhận thấy một điểm chung khiến cho phim Việt Nam “yếu thế” trước phim nước ngoài đó là sự đa dạng, phong phú về nội dung. Chủ yếu phim Việt Nam vẫn tập trung vào những câu chuyện gia đình, cuộc sống của người trẻ. Phù hợp với một số thời điểm trong năm như dịp Tết Nguyên đán hay những ngày nghỉ lễ dài hạn. Tâm lý của khán giả hướng về gia đình, bạn bè, người thân.
Còn các thể loại khoa học viễn tưởng, phim kinh dị, phim hoạt hình vẫn còn bỏ ngỏ trong các rạp chiếu bóng. Đây là một khoảng trống rất lớn, giúp phim nước ngoài xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường. Như mùa hè vừa qua, đúng dịp nghỉ hè của học sinh, sinh viên những bộ phim hoạt hình nước ngoài công chiếu tại các rạp nhanh chóng thu về lợi nhuận cao.
Cần đầu tư thêm chiều sâu về nội dung
Có thể thấy thị hiếu của khán giả Việt Nam đang dần thay đổi và đặt ra những yêu cầu cao hơn cho các bộ phim. Như phim điện ảnh mang tên “Trà” của đạo diễn Lê Hoàng, dù có hàng loạt cảnh nóng, nhưng không gây tò mò cho khán giả, mà ngược lại khiến bộ phim bị “tẩy chay”. Chỉ trong vài tuần sau khi công chiếu, bộ phim “Trà” đã phải rút lui khỏi rạp.
Ngược lại, một trường hợp đặc biệt năm nay thuộc về “Đào, phở và piano”. Bộ phim không được đầu tư kinh phí trăm tỷ, nhưng mang ý nghĩa lớn lao về lịch sử đem lại cảm xúc khó phai cho người xem. Bộ phim đã thu hút khán giả nhiều lứa tuổi và nhận được “mưa” lời khen.
Thực tế, dù là những phim “bom tấn” đầu tư hàng trăm tỷ, với hình ảnh đẹp lung linh. Nhưng rất nhiều phim bị khán giả nhận xét phi logic, thiếu chiều sâu, ý nghĩa. Như “Người vợ cuối cùng” của đạo diễn Victor Vũ ra mắt năm 2023, “Chị chị em em 2” do nữ diễn viên Minh Hằng đóng chính đạt doanh thu hàng trăm tỷ, nhưng kịch bản được đánh giá là nhạt nhòa, nhiều tình tiết bất hợp lý. Vì vậy, bao nhiêu thiện cảm, mong chờ của khán giả khi xem trailer (video giới thiệu phim) đều trở thành nỗi thất vọng khi đến rạp.
Đặc biệt, để phim điện ảnh Việt Nam có thể đi ra những đấu trường nước ngoài, việc đầu tư vào nội dung rất quan trọng. Tại Liên hoan phim quốc tế châu Á – Đà Nẵng lần hai (DANAFF II) vào đầu tháng 7 vừa qua, bộ phim “Mai” của Trấn Thành và “Lật mặt 7: Một điều ước” chỉ thắng lớn ở hạng mục phim Việt Nam. Còn đến với hạng mục phim Châu Á, đứng bên cạnh các quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), giải cao nhất hạng mục này, thuộc về bộ phim độc lập mang tên “Cu li không bao giờ khóc” của đạo diễn Phạm Ngọc Lân.
Bộ phim “Cu li không bao giờ khóc” không những gây tiếng vang ở châu Á mà còn được đánh giá cao trên trường quốc tế với hàng loạt các giải thưởng danh giá như Liên hoan phim quốc tế tại Berlin vào tháng 2, Liên hoan phim quốc tế Jeonju lần thứ 25. Bộ phim kể về mối liên hệ giữa người phụ nữ lớn tuổi và hai người trẻ với sợi dây đan xen lịch sử, quá khứ, hiện tại ở Việt Nam và đã được đánh giá cao của giới chuyên môn.
Trên trang Universal Cinema, cây bút Bita Habibi viết: “Bằng cách sử dụng ý niệm về thời gian và sự trở về, bộ phim mô tả câu nói “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” một cách sâu sắc”. Matthew Joseph Jenner, trang ICS nhận định: “Người xem được đưa vào một không gian mơ hồ giữa quá khứ và hiện tại, nhìn tận mắt văn hóa Việt Nam qua nhiều lăng kính”…
Hương Ngọc