Trong bối cảnh thiên tai nối tiếp thiên tai tại các tỉnh miền Bắc, bên cạnh công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão, công tác phòng, chống dịch bệnh trong và sau mùa mưa bão cũng được đặt lên hàng đầu.
- Đề nghị Trung Quốc phối hợp chặt chẽ trong phòng chống lũ lụt
- WHO cảnh báo nguy cơ lây lan dịch bệnh truyền nhiễm ở Sudan
- Thủ tướng chỉ đạo tập trung phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
Sẵn sàng ứng phó dịch bệnh
Mùa mưa bão đang diễn ra kèm theo lũ lớn đổ về gây ngập lụt tại nhiều nơi là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển mạnh. Đặc biệt, thời điểm trong và sau mưa bão, lũ lụt mang theo vô số vi sinh vật, bụi, rác, chất thải,… làm ô nhiễm môi trường càng làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Thực tế cho thấy, tại các vùng, miền sau mưa bão các dịch bệnh như sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa, cảm cúm và đau mắt đỏ tăng lên đáng kể.
Trước tình hình trên, để chủ động ứng phó với bão số 3, nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, cấp cứu, phòng, chống dịch, vệ sinh môi trường…, Bộ Y tế đã có các văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành phố trong vùng ảnh hưởng bão cũng như các đơn vị trực thuộc Bộ bảo đảm công tác y tế trong mưa bão, không để gián đoạn cấp cứu, khám, chữa bệnh.
Tại cuộc họp khẩn với 28 địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão số 3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu trong quá trình ứng phó với cơn bão, các địa phương cần có các giải pháp bảo đảm công tác y tế trong mưa bão cũng như các biện pháp khắc phục hậu quả mưa bão (phòng, chống dịch, vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm…).
Nhìn chung, ngành y tế các tỉnh, thành thời gian qua đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác đáp ứng y tế, ứng phó dịch bệnh. Đơn cử tại Hà Nội, trước nguy cơ mức nước trên các sông đang dâng cao dẫn tới nhiều khu vực dân cư tại một số huyện bị ngập nước, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch thường gặp trong và sau mưa lũ, ngành Y tế thành phố đã kiện toàn các đội cấp cứu, phòng, chống dịch cơ động với đầy đủ thuốc và trang thiết bị, sẵn sàng đáp ứng các tình huống có thể xảy ra.
Để Hà Nội tuyệt đối không xảy ra trường hợp thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân, Sở Y tế Hà Nội vừa có Văn bản số 4300/SYT-NVD chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh; cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn thành phố bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho công tác phòng, chống dịch bệnh có thể phát sinh trong mùa mưa bão, lũ lụt.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng nhấn mạnh, nước rút đến đâu, Hà Nội khơi thông dòng chảy, tổng vệ sinh môi trường đến đấy với mục tiêu không để dịch bệnh lây lan và bùng phát. Có thể thấy, đây cũng là mục tiêu đề ra của nhiều địa phương như Bắc Giang, Thái Nguyên,… trong thời gian này, có như vậy mới kịp thời triển khai các biện pháp xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân vùng lũ.
Người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh
Cùng với sự nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, người dân cần nâng cao nhận thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Để chủ động phòng tránh dịch bệnh trong mùa mưa bão, theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế, người dân nên lựa chọn thực phẩm an toàn, chế biến thực phẩm đúng cách, ăn thức ăn nấu chín và uống nước đun sôi. Cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh cá nhân hàng ngày là rất quan trọng; hãy rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ hoặc nước bị nhiễm bẩn.
Ngăn chặn sự phát triển của muỗi, cần tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy và diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn và loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô, các hốc nước tự nhiên nơi muỗi có thể đẻ trứng. Nên mắc màn khi ngủ, kể cả ban ngày. Ngoài ra, cần thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước, đồng thời sử dụng hóa chất khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Khi nước rút, người dân hãy thực hiện nguyên tắc dọn dẹp vệ sinh từng khu vực một, thu gom, xử lý xác động vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời.
Đặc biệt, đối với trường hợp nguồn nước bị ô nhiễm và điều kiện vệ sinh không bảo đảm ở các khu vực bị lũ lụt, người dân cần thực hiện một số biện pháp quan trọng. Trước hết, cần chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc men và hóa chất khử trùng nước. Đồng thời, việc giám sát và phát hiện sớm các dấu hiệu dịch bệnh là rất cần thiết để kịp thời báo cáo lên chính quyền địa phương. Từ đó chính quyền mới kịp thời huy động và bố trí lực lượng, như đội cơ động phòng, chống dịch, để xử lý nhanh chóng tại các khu vực bị ngập úng và lũ quét.