Ngày 9/8, một máy bay cánh quạt khu vực đã bị rơi gần Sao Paulo ở Brazil, khiến toàn bộ 61 người trên máy bay thiệt mạng.
- Nga phát triển “máy bay không người lái ngày tận thế”
- Máy bay Ấn Độ chở 225 hành khách hạ cánh khẩn cấp ở Nga
Theo Reuters, thông tin trên được Hãng hàng không khu vực Voepass công bố. Theo đó, chiếc máy bay gặp nạn khi đang trên đường từ Cascavel, Parana đến sân bay quốc tế Sao Paulo.
Máy bay bị rơi vào khoảng 13h30 (16h30 GMT) tại thị trấn Vinhedo, cách Sao Paulo khoảng 80 km về phía Tây Bắc.
Một đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy chiếc máy bay ATR-72 đã mất kiểm soát khi lao xuống phía sau một cụm cây gần nhà, sau đó là một cột khói đen lớn bốc lên.
Cư dân Daniel de Lima gần đó cho biết anh nghe thấy tiếng động lớn trước thấy máy bay bay theo hình xoắn ốc nằm ngang. Ngay sau đó, máy bay lao xuống đất và phát nổ.
Giới chức địa phương cho biết, không có người sống sót sau vụ tai nạn và chỉ có một ngôi nhà trong khu chung cư địa phương bị hư hại nhưng không có cư dân nào bị thương.
“Tôi tin rằng phi công đã cố gắng tránh một khu dân cư có mật độ dân cư đông đúc ở gần đó”, anh de Lima cho biết.
Các nhà chức trách chưa công bố nguyên nhân gây ra vụ tai nạn. Người đứng đầu trung tâm điều tra tai nạn hàng không Brazil Cenipa cho biết, hộp đen của máy bay đã được thu hồi từ hiện trường.
Video về vụ tai nạn cho thấy, tại thời điểm xảy ra vụ việc, thời tiết quang đãng, với dự báo cho khu vực này là mưa nhẹ và có gió 10 km/h.
Ông John Hansman, một giáo sư tại khoa hàng không và du hành vũ trụ tại Viện Công nghệ Massachusetts sau khi xem xét một số cảnh quay được chia sẻ trên mạng xã hội cho rằng vụ tai nạn dường như không phải do thời tiết.
Voepass là hãng hàng không lớn thứ tư của Brazil theo thị phần. Ban đầu, hãng đã báo cáo có 62 người trên máy bay nhưng sau đó cho biết máy bay chở 57 hành khách và 4 thành viên phi hành đoàn khi gặp nạn.
Đây là vụ tai nạn chết người nhất ở Brazil kể từ khi 199 người thiệt mạng vào năm 2007 trên một chuyến bay do hãng hàng không TAM – hiện đã sáp nhập với hãng LAN để trở thành hãng hàng không LATAM Airlines – khai thác.
Hoàng Nam