Khoảng 3.900 tỷ đồng sẽ được đầu tư để nâng cấp hai tuyến đường thủy nội địa tại phía Nam là tuyến Cần Thơ – TP Hồ Chí Minh và tuyến từ cảng Đồng Nai đến cảng Cái Mép – Thị Vải (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
- Phó Giám đốc Trung tâm y tế cùng một giáo viên đánh bạc mùa EURO 2024 bị bắt
- GHPGVN kêu gọi Tăng Ni, Phật tử hiến mô tạng cứu người
- Người phụ nữ bị phạt tiền vì bịa đặt thông tin “chạy tiền” thi vào lớp 10 ở Quảng Ninh
Dự án quan trọng, cấp bách
Tại khu vực phía Nam nước ta, hệ thống sông ngòi và biển ven bờ rất thuận lợi để phát triển giao thông thủy nội địa. Cụ thể, khu vực miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ có hệ thống sông ngòi chằng chịt, kết nối với nhau và kết nối ra biển. Đây cũng là khu vực có hoạt động kinh tế năng động bậc nhất cả nước. Nông sản từ miền Tây, miền Đông mỗi ngày đều được đưa về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Ngoài ra, để xuất khẩu, nông sản cũng phải được chuyên chở đến các cảng biển tại TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu. Do đó, việc phát triển đường thủy nội địa ở khu vực phía Nam là rất quan trọng.
Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (ĐTNĐVN), trong những năm qua, Chính phủ đã bố trí nguồn vốn đầu tư để nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa chính ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Điển hình như dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL; dự án Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo. Các dự án này đã góp phần cải thiện năng lực vận tải thủy nội địa, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm an ninh trong khu vực.
Tuy nhiên, Cục ĐTNĐVN cho rằng, do tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực đường thủy nội địa so với các lĩnh vực giao thông khác còn hạn chế dẫn đến các tuyến chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều đoạn kênh hẹp, khan cạn, ảnh hưởng đến năng lực thông qua các tuyến kênh. Việc kết nối, giao thương hàng hóa giữa khu vực ĐBSCL và các tỉnh Đông Nam Bộ chưa được thúc đẩy phát triển đúng mức. Trong khi tiềm năng vận tải thủy của khu vực rất lớn với chi phí thấp, an toàn và thân thiện môi trường.
Trước thực tế đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã nghiên cứu dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam, nhằm nâng cấp hai tuyến đường thủy nội địa là tuyến Cần Thơ – TP Hồ Chí Minh và tuyến từ cảng Đồng Nai đến cảng Cái Mép – Thị Vải. Sau đó, dự án được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. “Đây là dự án quan trọng, cấp bách của lĩnh vực đường thủy nội địa, được ưu tiên đầu tư sử dụng vốn vay của nhà tài trợ Ngân hàng Thế giới (WB)”, đại diện Bộ GTVT cho biết.
Theo đánh giá của đại diện Bộ GTVT, dự án sau khi hoàn thành sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong khu vực nói riêng và cả nước nói chung. Ngoài ra, dự án này còn giúp chỉnh trang, bảo vệ bờ kênh và đường dân sinh, làm đẹp cảnh quan dọc tuyến hành lang được cải tạo, nâng cấp.
Vốn nào để thực hiện?
Đại diện Bộ GTVT cho biết, Ban Quản lý các dự án đường thủy, đơn vị trực thuộc Bộ này sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, thực hiện dự án. Theo phê duyệt của Bộ GTVT, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 3.900 tỷ đồng, tương đương 163 triệu USD. Trong đó, vốn vay WB là 107 triệu USD, tương đương 2.600 tỷ đồng; vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc 0,58 triệu USD, tương đương gần 14 tỷ đồng; vốn đối ứng dự kiến hơn 1.330 tỷ đồng, tương đương 56 triệu USD.
WB đánh giá, ĐBSCL là vùng nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản hàng đầu của Việt Nam cho cả tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Dự án Phát triển hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam nhằm mục đích tăng khối lượng hàng hóa và giảm thời gian di chuyển dọc theo các tuyến quan trọng là Cần Thơ – TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu.
Được biết, để tiến tới ký hiệp định vay vốn cho dự án, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý các dự án đường thủy lập Kế hoạch Cam kết môi trường và xã hội, xin ý kiến các địa phương, chuyên gia, Nhân dân… để dự án sớm triển khai đầu tư xây dựng.