Xây dựng các quy định liên quan đến hàng hóa sản xuất ở Việt Nam đã được Bộ Công Thương thực hiện từ năm 2018 nhưng đến giờ vẫn chưa có bất kỳ một văn bản cụ thể nào liên quan. Bộ Công Thương lại vừa đưa ra thông tin, Bộ dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam (gọi tắt là Nghị định hàng hóa sản xuất ở Việt Nam).
- Phát động Cuộc thi viết “Dấu ấn ngành Thuế qua 80 năm xây dựng và phát triển”
- Ngân hàng nhà nước yêu cầu rà soát, kiểm tra các tài khoản thanh toán của tổ chức
Chưa xác định rõ ràng khái niệm “hàng hóa Việt Nam”
Bộ Công Thương vừa đưa ra thông tin, triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Văn bản số 41/TTg-QHĐP ngày 10/1/2024 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, căn cứ khoản 2 Điều 19 và Điều 84, Điều 87 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam (gọi tắt là Nghị định hàng hóa sản xuất ở Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Các quy định hiện hành dù đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam nhưng phạm vi điều chỉnh chủ yếu là nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu.
Do chưa có quy định về tiêu chí ghi nhãn nước sản xuất hàng hóa, khái niệm “hàng hóa Việt Nam” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, bao gồm hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế hoặc hàng hóa có công đoạn sản xuất tại Việt Nam hoặc hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam. Các khái niệm này tuy khác nhau nhưng thường bị nhầm lẫn.
Xuất phát từ thực tiễn trong nước và thế giới nêu trên, việc xây dựng quy định về hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý với mục tiêu phòng, chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, qua trao đổi giữa Bộ Công Thương với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một số hiệp hội ngành hàng, trước mắt, việc ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, tự kê khai.
Tuy nhiên, khi cá nhân, tổ chức thực hiện ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và phải chứng minh việc đáp ứng tiêu chí đó khi được yêu cầu. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức ghi công đoạn sản xuất tại Việt Nam thì phải chứng minh được việc hàng hóa trải qua công đoạn sản xuất, gia công có phát sinh giá trị tại Việt Nam.
Nhiều lần “trình rồi rút”
Bộ Công Thương cho biết, Bộ nhận được các văn bản của doanh nghiệp (Công ty Cổ phần KAROFI Việt Nam, Công ty TNHH Enplas Việt Nam, Công ty Cổ phần Kooda Việt Nam, Công ty Ajinomoto Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Tôn Hoa Sen…, Công ty TNHH Khoáng sản Transcend Việt Nam, Công ty TNHH Điện tử Saza Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn y dược công nghệ cao T&T, Công ty TNHH BASF Việt Nam, Công ty Cổ phần Kềm Nghĩa, Công ty TNHH Rinnai Việt Nam…) và các hiệp hội ngành hàng (như Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, Hội Thương mại Đài Loan tại Đà Nẵng…) đề nghị hướng dẫn việc xác định hàng hóa của doanh nghiệp có được phép dán nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hay không. Tuy nhiên, hiện không có cơ sở pháp lý để hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp mà chỉ có thể hướng dẫn doanh nghiệp tự xác định và tự chịu trách nhiệm theo nguyên tắc tại Điều 15 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP.
Do đó, theo Bộ Công Thương, hoàn thiện thể chế pháp lý về ghi nhãn sản xuất ở Việt Nam đang là một nhu cầu cấp bách và là cơ sở để sản phẩm, hàng hóa Việt Nam sẽ tự tin hơn nữa khẳng định chất lượng, chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt Nam và thế giới.
Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Công Thương đề nghị thực hiện xây dựng nghị định tương tự. Bởi từ năm 2018, Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng Nghị định “Sản xuất ở Việt Nam”. Tuy nhiên, Văn phòng Chính phủ có ý kiến đề nghị Bộ Công Thương rà soát, xác định lại phạm vi, đối tượng điều chỉnh của văn bản “Sản xuất tại Việt Nam”. Sau đó, Bộ Công Thương có văn bản đề xuất xây dựng Thông tư.
Trong quá trình xây dựng Thông tư “Sản xuất ở Việt Nam”, Bộ Công Thương cho rằng, nếu xây dựng văn bản này ở cấp thông tư sẽ nảy sinh nhiều bất cập, do đó, năm 2019 Bộ tái đề nghị được xây dựng văn bản này ở cấp nghị định. Năm 2020, Chính phủ đồng ý cho phép Bộ Công Thương tiến hành các bước xây dựng nghị định. Dự thảo lần 1 của đề nghị xây dựng nghị định đã được Bộ Công Thương đăng trên Cổng thông tin của Bộ này và gửi các Bộ, ngành xin ý kiến. Theo kế hoạch, vào tháng 1/2021, hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” sẽ được trình Chính phủ.
Tuy nhiên, sau đó, Bộ Công Thương đã có văn bản xin rút nhiệm vụ xây dựng Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” để tiếp tục xây dựng văn bản tương tự dưới hình thức Thông tư. Tháng 5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP đồng ý với kiến nghị của Bộ Công Thương. Và sau hơn 2 năm đề nghị rút nội dung xây dựng nghị định, Bộ Công Thương lại tiếp tục đưa ra đề nghị xây dựng Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam”. Không biết lần này, số phận văn bản quy định về hàng hóa sản xuất ở Việt Nam sẽ thế nào?
Nhật Thu