Hôm qua (27/5), Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) một tỉnh phía Bắc đã có báo cáo gửi Bộ GD&ĐT về thông tin gây xôn xao trên mạng xã hội liên quan đến phản ánh của một phụ huynh vì không đóng quỹ nên con không được dự liên hoan lớp, phải ngồi nhìn các bạn ăn uống.
Báo cáo cho biết, chiều 24/5, ban đại diện cha mẹ học sinh cùng giáo viên chủ nhiệm một lớp Một tại địa phương này tổ chức cho các em liên hoan cuối năm học. Trước đó 2 ngày, ban đại diện và giáo viên chủ nhiệm đã gửi thông báo lên nhóm Zalo của lớp về việc tổ chức buổi liên hoan.
Căn cứ “sự đồng thuận” của cha mẹ học sinh, đã thống nhất và quyết định tổ chức liên hoan cho các cháu, gồm bánh gato, bánh kẹo, đùi gà, xúc xích và khoai tây chiên. Riêng đùi gà, xúc xích và khoai tây chiên (mỗi suất giá 40 ngàn đồng), thì chỉ chuẩn bị 31 suất cho 31/32 học sinh. Một học sinh còn lại không được chuẩn bị, vì phụ huynh em bé này “không có ý kiến lên nhóm Zalo của lớp”.
Vào tiệc, “em bé thứ 32” cùng các bạn trong lớp ăn bánh gato và bánh kẹo khác; riêng đùi gà, xúc xích và khoai tây chiên em bé này không có suất ăn riêng, “song có ăn cùng các bạn”, báo cáo nêu.
Biết chuyện, phụ huynh của em bé đã đăng thông tin trên facebook cá nhân cho rằng con mình “không được suất ăn” trong buổi liên hoan lớp. Thông tin này được nhiều tài khoản facebook chia sẻ, vì ai cũng có con, ai cũng có thể rơi vào tình cảnh tương tự. Phụ huynh có thể vì bận bịu nên không vào mạng để cập nhật thông báo, nên “không có ý kiến lên nhóm Zalo của lớp”, rồi con mình không có suất ăn, là bức xúc có thể thông cảm.
Báo cáo đánh giá, nhà trường nhận thấy giáo viên còn thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý tình huống, để xảy ra phản ứng đáng tiếc của phụ huynh như vừa qua. Đến sáng 26/5, trường đã tổ chức họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm lớp đã giải thích và nhận thiếu sót về mình trước cuộc họp về sự việc nêu trên. Qua sự việc, nhà trường yêu cầu rút kinh nghiệm sâu sắc trong toàn trường cũng như với giáo viên chủ nhiệm trên nhằm bảo đảm không xảy ra những sự việc tương tự trong thời gian tới.
Câu chuyện trên bắt nguồn từ sự việc rất bé, là suất ăn 40 ngàn đồng; nhưng đã trở thành chuyện “xé ra to”, phải báo cáo Bộ GD&ĐT, gây xôn xao mạng xã hội. Cha ông ta có câu “một miếng giữa đàng (đường – NV) bằng một sàng xó bếp”, ý nói trong cuộc sống, nhiều khi không quan trọng chuyện miếng ăn, mà quan trọng là sự tôn trọng, sự đối xử sao cho phù hợp, nhất là trong vụ việc này, đối tượng chịu thiệt thòi lại là đứa trẻ 6 tuổi.
Trong sự việc, còn một đối tượng đã góp phần gây ra câu chuyện phản cảm này, là ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp học. Giá như những người này cùng cô giáo chủ nhiệm tinh tế hơn, chu đáo hơn, thì đã chủ động liên hệ cha mẹ “em bé thứ 32” để lấy ý kiến. Đó là sự vô ý đáng tiếc, là sự thiếu tinh tế, thiếu chu đáo; mà các nhà trường, các giáo viên, các cha mẹ cần lưu ý rút kinh nghiệm; tránh để lặp lại các vụ việc tương tự.