Đi ngược với xu hướng của thời đại, hiện nay rất nhiều người trẻ không chỉ chú ý đến quần bò, áo phông mà “quay ngược thời gian”, để dành tình yêu cho những bộ trang phục cổ truyền của dân tộc.
- Tôn vinh nét đẹp, giá trị văn hóa trang phục truyền thống các dân tộc Lào Cai 2024
- Bảo tồn, phát huy trang phục dân tộc thiểu số: Cần mô hình hiệu quả
Người trẻ và cổ phục
Ngày nay, trang phục dân tộc Việt Nam đã dần trở nên gần gũi với mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh, sinh viên mặc những bộ áo dài, áo giao lĩnh, áo nhật bình, áo tấc, đi dạo trên đường phố hay chụp hình trong những di tích lịch sử.
Đặc biệt, người trẻ không chỉ tự hào khoác lên mình những bộ cổ phục của dân tộc, mà còn có niềm đam mê mạnh mẽ, dành hết tâm huyết để phục dựng lại những bộ trang phục đã có tuổi đời hàng trăm năm đó.
Như nhóm Đại Việt Cổ Phong được thành lập từ năm 2014, với hàng loạt hoạt động nhằm tìm hiểu và phục dựng lại những bộ cổ phục của các triều đại Việt Nam. Nhóm đã khôi phục lại những bộ áo giao lĩnh từ thời nhà Lê sau hàng chục lần may đi may lại, để sát với nguyên gốc nhất. Đến 2015, nhóm từng bước đến với dự án “Hoa Văn Đại Việt”, nhằm phục dựng lại những hoa văn của Việt Nam thời kỳ phong kiến bằng công nghệ hiện đại. Ý tưởng được nảy sinh, trong lúc một thành viên của nhóm gặp khó khăn với việc tìm những mẫu hoa văn “thuần Việt”.
Hiện nay, với hơn 250 mẫu hoa văn được phục dựng thành công, nhóm đã chia sẻ miễn phí với cộng đồng Việt Nam. Điều này, hỗ trợ rất nhiều cho những nhãn hàng, công ty ở Việt Nam có thể in ấn bao bì bánh kẹo, quần áo, đồ lưu niệm với những hoa văn truyền thống thay vì phải đi vay mượn từ những nước bạn.
Ngoài ra, không chỉ có Đại Việt Cổ Phong, đó là còn là nhóm bạn trẻ đến từ Ỷ Vân Hiên, dành tâm huyết với từng đường kim, mũi chỉ cho những bộ cổ phục Việt Nam. Ỷ Vân Hiên thành lập vào năm 2018, với khát vọng “lội ngược dòng”, tìm về những bộ cổ trang và phục dựng lại một cách hoàn hảo nhất.
Ỷ Vân Hiên, đã đóng góp rất nhiều bộ cổ phục cho các phim, MV ca nhạc đình đám của Việt Nam. Như bộ phim Phượng Khấu từng trở thành “cơn sốt”, khi đã tái hiện được hình ảnh của một thời nhà Nguyễn xa hoa, lộng lẫy ở xứ Huế thơ mộng. Những chiếc áo nhật bình trong phim được may một cách tỉ mỉ, với họa tiết, màu sắc được sử dụng tinh tế, trang nhã, nhưng không mất đi vẻ đẹp truyền thống.
Hay đó là Great Vietnam, được thành lập từ một nhóm người trẻ cùng chung tình yêu với cổ phục. Không chỉ “dệt nên ký ức” từ bộ trang phục cổ ấy, Great Vietnam còn tổ chức nhiều hoạt động giúp giới trẻ đến gần hơn với cổ phục. Vào năm 2022, đó là “Bách Hoa Bộ Hành” được liên kết tổ chức bởi các đơn vị Việt phục gồm Đông Phong, Great Vietnam,… và một số đơn vị khác.
Tại đây, những người trẻ đăng ký tham gia sẽ được ban tổ chức sắp xếp mặc những bộ cổ phục từ áo dài, áo tứ thân, áo tấc, áo giao lĩnh, áo nhật bình… Ngoài ra tại sự kiện còn có những đoàn chuyên đề như đại triều phục, trang phục cưới qua các thời kỳ. Nhóm đã đi từ phố Hàng Khay và dừng chân tại điểm cuối ở đài phun nước Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Tạo nên một cảnh tượng rất đẹp và ý nghĩa ngày hôm đó.
Về việc may những bộ cổ phục Việt Nam không hề dễ dàng, đặc biệt khi những người thực hiện có tuổi đời còn quá trẻ. Như nhà sử học Lê Văn Lan đã từng chia sẻ, chỉ riêng tìm hiểu về trang phục triều Nguyễn đã rất mênh mông rồi. Huống chi, các tư liệu Việt Nam về cổ phục chưa nhiều, khiến họ phải tự tìm tòi, mày mò rất vất vả.
Nhóm Great Việt Nam cho biết, việc chọn màu cho các bộ cổ phục không hề dễ dàng. Khi phải tìm sao để màu sắc gần với những bộ áo giao lĩnh, áo nhật bình thời xưa nhất. Chưa kể, trang phục của mỗi triều đại lại có hoa văn riêng, quy định riêng dành cho từng tầng lớp người dân.Vì vậy, đây là công việc vất vả, đòi hỏi họ thường xuyên trăn trở, suy nghĩ.
Thổi hồn vẻ đẹp độc đáo cho trang phục của các nhóm dân tộc
Nói đến trang phục dân tộc Việt Nam, mỗi cổ phục thôi là chưa thể hoàn thiện. Bởi đất nước ta có 54 dân tộc, đó là 54 văn hóa, phong tục, tập quán khác nhau. Chính vì vậy, mỗi tộc người có một trang phục truyền thống riêng. Người Việt trẻ hiện nay, không chỉ yêu thích cổ phục, mà trang phục của người H’Mông, Mường, người Thái,… cũng được sử dụng với niềm tự hào.
Đó là dự án Hnubflower, do cô gái tên Chấu Thị Nung người H’Mông hiện đang làm công việc tại TP HCM khởi xướng. Dự án nhằm giới thiệu cho cộng đồng trang phục của người H’Mông Hoa và người H’Mông Lềnh. Mỗi bộ trang phục sẽ đi kèm với ảnh tư liệu, để khán giả có thể thấy được sự thay đổi giữa ngày ấy và bây giờ.
Nung cho biết, tiếp xúc với trang phục dân tộc truyền thống lâu ngày, khiến cô “nảy sinh ra ý tưởng” là tại sao không làm về trang phục của dân tộc H’Mông và mở rộng hơn là các dân tộc anh em khác. Chính vì vậy, cô và nhóm đã đồng hành, liên hệ với những người dân bản địa, đi về nơi có người H’Mông tập trung sinh sống để lấy những tư liệu chân thực nhất.
Mỗi bộ y phục gồm có xà cạp quấn chân, chân váy, yếm (tà trước và tà sau), đai (có một vài nhóm dân tộc không có), áo, mũ. Đặc biệt, mỗi bộ y phục được nhóm chăm chút từng họa tiết nhỏ nhất. Với các mảng hoa văn sáp ong, người H’Mông thường sử dụng các họa tiết riềm ngoài nhỏ li ti. Khi vẽ, người thợ sẽ chấm bút vào sáp ong nóng, khéo léo kẻ những đường thẳng trên vải. Quá trình này đòi hỏi sáp phải chảy đều, không bị loang lổ.
Không chỉ đưa những bộ trang phục của các nhóm dân tộc đến gần hơn với người trẻ. Rất nhiều nhà thiết kế người Việt đã lấy cảm hứng từ văn hóa của các dân tộc như Hà Nhì, Si La, Tày, Dao đỏ, Thái,… trình diễn trên sàn catwalk trên thế giới. Gần đây nhất, vào năm 2022, tại Tuần lễ thời trang trẻ em quốc tế diễn ra tại Bangkok – Thái Lan. Bộ sưu tập của hai nhà thiết kế Việt Đắc Ngọc và Thạch Linh mang tên “Xuống chợ” đã trở thành một điểm sáng trong tuần lễ thời trang.
Những bộ trang phục được giới mộ điệu đánh giá cao, bởi thiết kế mang đậm bản sắc dân tộc, từ chất liệu vải, đến gam màu được phối, họa tiết, phom dáng. Tất cả điều đó thổi vào bộ sưu tập hơi hướng vừa mộc mạc, hoang dã, vừa hiện đại, độc đáo. Ngay chính chủ tịch của Tuần lễ thời trang trẻ em Bangkok cũng phải nhận định đây là một bộ sưu tập ấn tượng, ghi dấu ấn nhất trong tuần lễ thời trang này.
Không chỉ vậy, thiết kế lấy ý tưởng từ những bộ trang phục dân tộc, còn giúp Việt Nam để lại dấu ấn trên đấu trường quốc tế. Một trong những bộ trang phục không thể quên đó là “Cô em Dao đỏ” của Hoa hậu Bảo Ngọc. Bên cạnh lối ứng xử thông minh và vốn ngoại ngữ xuất sắc, bộ trang phục dân tộc lấy cảm hứng từ đám cưới của người Dao đỏ đã góp phần giúp Bảo Ngọc dành ngôi vị Hoa hậu liên lục địa 2022.
Trang phục “Cô em Dao đỏ” là thiết kế của Phạm Minh Hiếu, một nhà thiết kế trẻ sống tại Việt Nam. Anh có vốn hiểu biết rất tốt về các dân tộc thiểu số và con mắt thẩm mỹ tinh tế. Bộ trang phục lấy ý tưởng từ đám cưới của người Dao, với đỏ là gam màu chủ đạo, chất liệu dùng nhiều nhất trong trang phục là thổ cẩm, đi kèm với khăn đội đầu, dây lưng làm từ hai mảnh vải. Vòng cổ, vòng tay và khuyên tai trong bộ trang phục của “Cô em Dao đỏ” chủ yếu là bạc, một loại trang sức được người Dao đỏ rất ưa thích sử dụng.
Khi Hoa hậu Bảo Ngọc trình diễn bộ trang phục này trong phần thi National Costume, không chỉ người hâm mộ Việt Nam, mà cả bạn bè quốc tế cũng phải dành lời khen cho vẻ đẹp, thần thái vừa hiện đại, vừa độc đáo. Phần thi trở thành một điểm nhấn ấn tượng cho cả chặng đường đi đến ngôi vị hoa hậu của cô.