Những ngày qua, việc tăng nặng mức xử phạt và áp dụng cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe bước đầu tạo hiệu quả tích cực, nâng cao ý thức chấp hành của người dân. Tuy nhiên, để thực sự xây dựng văn hóa giao thông cần nhiều hơn thế.
- Ngày thứ 3 áp dụng Nghị định 168, xử lý gần 12.600 trường hợp vi phạm
- Gia Lai phát hiện hơn 8.300 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, xử phạt hơn 12 tỷ đồng
- Bộ Y tế bác bỏ thông tin “Xử phạt trách nhiệm xã hội với người độc thân”
Tăng mức xử phạt vi phạm giao thông
Từ 1/1/2025, Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe bắt đầu có hiệu lực. Theo Nghị định mới, nhiều hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, lạng lách, đánh võng… sẽ có mức xử phạt vi phạm hành chính tăng rất cao.
Ngay từ sáng 1/1, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT – Công an TP Hà Nội) đã triển khai đồng loạt các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý vi phạm nhằm tạo ý thức tự giác chấp hành cho người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT sử dụng các thiết bị công nghệ như camera theo dõi (phối hợp với Đội chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông) hay camera cầm tay để phát hiện, ghi nhận các trường hợp vi phạm. Khi tổ công tác tại các chốt dừng phương tiện để xử phạt, hình ảnh vi phạm được xem ngay trên điện thoại hoặc ảnh in màu giúp người dân dễ dàng nhận diện lỗi vi phạm.
Việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông cùng với chiến dịch ra quân quyết liệt của lực lượng CSGT đã góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Tại các nút giao thông, cảnh tượng ô tô, xe máy dừng lộn xộn, vượt đèn đỏ, hay đè vạch kẻ đường đã giảm nhiều. Thay vào đó, các phương tiện chấp hành tín hiệu đèn giao thông, dừng xe ngay ngắn, đúng vạch.
Đến ngày 2/1, ngày đầu tiên người dân trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch, cũng là ngày thứ 2 Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực, nhiều tuyến đường tại Hà Nội chứng kiến lượng phương tiện giao thông tăng đột biến, gây ra tình trạng ùn tắc tại nhiều ngã tư. Dù vậy, điều đáng mừng là ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân tiếp tục có sự chuyển biến rõ rệt.
Thông tin từ Cục CSGT cho biết, trong các ngày 1 – 2/1, công an các địa phương trên cả nước đã kiểm tra, phát hiện xử lý 25.079 trường hợp vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, vi phạm về nồng độ cồn là 6.079 tài xế; vi phạm về tốc độ là 5.405 trường hợp; ma túy là 60 trường hợp. Riêng với lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ), công an các địa phương đã xử phạt 682 trường hợp. Ngoài ra, 2.808 trường hợp khác bị lập biên bản vì không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông…
Cốt lõi nằm ở ý thức
Có thể thấy, trong hai ngày thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 168/2024/NĐ-CP, những kết quả tích cực đã được ghi nhận khi phần lớn người dân nghiêm túc chấp hành các quy định bảo đảm an toàn giao thông. Đây được coi là bước khởi đầu quan trọng trong việc nâng cao ý thức của người dân. Từ đó góp phần xây dựng văn hóa giao thông, giảm thiểu nguy cơ tai nạn, mang đến sự an toàn cho người tham gia giao thông.
Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh” cố tình vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dù mức phạt đã tăng cao. Đỉnh điểm là vào tối 2/1, ngay sau chiến thắng 2-1 của tuyển Việt Nam trước tuyển Thái Lan trong trận chung kết lượt đi AFF Cup 2024. Theo ghi nhận của phóng viên, khi hàng ngàn người dân đổ về các khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), một số hình ảnh chưa đẹp xuất hiện. Bên cạnh số đông người dân có ý thức chấp hành luật giao thông vẫn còn không ít trường hợp vi phạm các lỗi như đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, chạy xe trên vỉa hè, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định hay thậm chí đua xe, lạng lách, đánh võng.
Theo đại diện Cục CSGT (Bộ Công an), Nghị định mới được xây dựng trong bối cảnh tình hình trật tự, an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, tai nạn được kiềm chế. Tuy nhiên, về tổng thể tình hình giao thông còn nhiều vấn đề đặt ra. Đáng chú ý, ý thức của một bộ phận tài xế chưa cao, dẫn đến tình trạng vi phạm vẫn phổ biến. Để lập lại trật tự, cần bảo đảm việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh, chế tài đủ tính răn đe và tương xứng với vi phạm, đặc biệt đối với các hành vi cố ý xâm phạm trật tự, an toàn giao thông.
Ngoài ra, bên cạnh các mức phạt “khủng”, yếu tố cốt lõi vẫn nằm ở ý thức của mỗi cá nhân. Bởi văn hóa giao thông không chỉ đơn thuần là việc tuân thủ luật lệ mà còn là ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân. Chính vì vậy, việc xây dựng văn hóa giao thông là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự chung tay nỗ lực của toàn xã hội, cộng đồng. Mỗi cá nhân cần ý thức được trách nhiệm của mình, tuân thủ pháp luật về giao thông, góp phần xây dựng một môi trường an toàn, văn minh, hiện đại.