Trong niềm tiếc thương vô hạn của người dân trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng với các cơ quan báo chí cả nước, Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN) đã đăng tải tuyến bài đặc biệt về Tổng Bí thư liên quan đến những tư tưởng của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện trong Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Vậy xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có giá trị thực tiễn như thế nào, cần làm gì để tiếp tục phát huy “di sản” của đồng chí Tổng Bí thư về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa? Báo PLVN đã có cuộc trao đổi với Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh.
- Hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lòng cán bộ Tư pháp
- Thư chia buồn của Tổng thống Hoa Kỳ sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Người dân xếp hàng dài, bật khóc tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là động lực thôi thúc cán bộ ngành Tư pháp phấn đấu
Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá thế nào về những thông tin Báo PLVN đã chuyển tải trong những ngày qua về vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
– Trong những ngày qua, cùng với các cơ quan báo chí cả nước, Báo PLVN đã có nhiều bài viết về đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là tuyến bài về sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư đối với việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Các bài viết của Báo PLVN đã bám sát, chấp hành nghiêm chủ trương, định hướng của cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và cơ quan chủ quản, thể hiện được bản sắc là cơ quan ngôn luận của Bộ, ngành Tư pháp.
Với tuyến bài được đăng tải, Báo đã thể hiện sự chủ động, sáng tạo, nhanh nhạy và đề cập một cách toàn diện về công lao to lớn của đồng chí Tổng Bí thư trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN). Từ việc truyền đạt những vấn đề mang tính nguyên tắc, quan điểm, nội dung chủ yếu, xuyên suốt trong chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư đến những kết quả đạt được trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị, của Nhân dân; những thời cơ, thách thức và yêu cầu về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam trong giai đoạn mới của đất nước.
Cùng với đó, Báo PLVN còn phản ánh đa dạng, sinh động, có chiều sâu về những thành quả to lớn, dấu ấn đậm nét trong sự điều hành, lãnh đạo đất nước của đồng chí Tổng Bí thư trên mọi phương diện. Đáng chú ý là các bài viết khai thác sâu về những nội dung liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp, những kỷ niệm, cảm nghĩ, tình cảm chân thành, sâu đậm của cán bộ tư pháp cả nước với đồng chí Tổng Bí thư.
Có thể thấy, những di sản, đóng góp to lớn của đồng chí Tổng Bí thư chính là mục tiêu, động lực thôi thúc lớp lớp cán bộ tư pháp tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, hiện thực hóa ý nguyện của đồng chí lúc sinh thời: “Nhà nước pháp quyền mà chúng ta xây dựng là Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng”.
Lần đầu tiên Đảng ta ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới
Xin Thứ trưởng cho biết cảm nghĩ của ông về tư tưởng Nhà nước pháp quyền XHCN của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
– Như đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định trong giây phút lắng đọng tại Lễ truy điệu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Gần 60 năm hoạt động cách mạng phong phú, bền bỉ, đồng chí Tổng Bí thư với trí tuệ uyên bác, sắc sảo đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hệ thống tư tưởng và lý luận quý giá về con đường cách mạng Việt Nam trong thời đại mới – đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà tư tưởng, “ngọn cờ lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về vai trò của Đảng Cộng sản”, trong đó nổi bật là tư tưởng, lý luận về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Đồng chí đã đề ra quan điểm “Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là bộ phận quan trọng trong hệ thống quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; góp phần củng cố nền tảng tư tưởng, chính trị – pháp lý, định hướng khoa học, hướng dẫn hành động cho sự phát triển của Đảng và đất nước ta trong giai đoạn hiện nay”. Với trí tuệ uyên bác, sắc sảo, đồng chí đã chỉ rõ đặc điểm của Nhà nước pháp quyền XHCN: Nhà nước pháp quyền XHCN về bản chất khác với nhà nước pháp quyền tư sản là ở chỗ: pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ XHCN là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đa số Nhân dân” (trích Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng). Đây là những vấn đề có tính nguyên tắc, lý luận, định hướng quan trọng, là tiền đề để từ đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí, lần đầu tiên Đảng ta ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được sáng rõ bằng những quan điểm, mục tiêu, trọng tâm, nhiệm vụ và giải pháp.
Trên cơ sở Nghị quyết số 27-NQ/TW, Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị ở Trung ương và 63 địa phương đã ban hành, tích cực triển khai Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện với mục tiêu đến năm 2030 đất nước ta có “Hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán”, là tiền đề để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045.
Tư tưởng về Nhà nước pháp quyền XHCN của đồng chí Tổng Bí thư là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận uyên bác và thực tiễn sinh động, đúc kết từ quá trình hoạt động cách mạng phong phú, bền bỉ của đồng chí. Đây là dấu ấn to lớn, định hướng quan trọng để cả hệ thống chính trị và Nhân dân quyết tâm, đồng lòng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, văn minh, có vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế, dựa trên ý chí tự chủ, tự cường, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đã được cô đọng trong Nghị quyết số 27-NQ/TW. Về thực tiễn, thời gian vừa qua, chúng ta đã thấy rõ vị trí, vai trò, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và công dân trong việc vận hành quyền lực nhà nước, thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân và quản lý xã hội bằng pháp luật. Với tư cách là Đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát huy vai trò lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng ủng hộ của Nhân dân, chúng ta đã và đang xây dựng một hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Hệ thống pháp luật điều chỉnh toàn diện các quan hệ xã hội, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng. Công tác tổ chức thực hiện pháp luật đã có nhiều đổi mới, ngày càng gắn kết hơn với xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả theo tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, xử một người để cứu muôn người. Để từ đó, không chỉ giúp làm trong sạch bộ máy công quyền mà còn thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật theo nguyên tắc Nhà nước pháp quyền XHCN, từ đó rèn luyện, xây dựng một thế hệ lãnh đạo có đức, có tài, phụng công thủ pháp, chí công vô tư, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, phụng sự Đảng, phục vụ Nhân dân.
Trong hoạt động đối ngoại, chúng ta đã duy trì và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều quốc gia lớn. Các chuyến thăm của nguyên thủ một số quốc gia theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hay lần đầu tiên người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam nhận lời mời thăm chính thức Hoa Kỳ (chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2015), việc nâng cấp quan hệ ngoại giao với các nước lớn trong năm 2022, 2023 là minh chứng rõ nét về sự tôn trọng, công nhận của thế giới với mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Kết quả là, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phát huy dân chủ, quyền làm chủ của Nhân dân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng đánh giá: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Tiếp nối tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN
Theo Thứ trưởng, cần làm gì để tiếp nối những thành tựu, chỉ đạo của Tổng Bí thư trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam?
– Trước hết, chúng ta cần thấm nhuần tư tưởng về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nắm vững quan điểm “Chúng ta chủ trương không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”.
Để mục tiêu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thành hiện thực, từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị cần thực hiện hiệu quả, thực chất Nghị quyết số 27-NQ/TW. Mỗi cơ quan, tổ chức, đảng viên, người dân, doanh nghiệp và mọi chủ thể trong xã hội cần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, từ đó, từng bước chúng ta sẽ đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đồng thời, cần không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, kiến tạo hành lang pháp lý nhằm phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của xã hội, tạo động lực cho sự phát triển. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực tổ chức và thi hành pháp luật, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật để chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thông qua pháp luật sẽ thực sự đi vào đời sống kinh tế – xã hội.
Với các cơ quan báo chí, truyền thông, nhất là Báo PLVN, cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, tôi đề nghị các đồng chí tiếp tục phát huy hơn nữa trong việc tuyên truyền, phổ biến quan điểm, tư tưởng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, về Nghị quyết số 27-NQ/TW; phản ánh một cách sinh động, đầy đủ về tiến trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật. Cơ quan báo chí, truyền thông cần phát huy vai trò cầu nối giữa xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, giúp đưa pháp luật vào cuộc sống, đồng thời là kênh thông tin quan trọng về đời sống kinh tế, xã hội để các nhà làm luật nắm rõ thực tiễn, kịp thời phản ứng chính sách. Đây cũng chính là khẩu hiệu được đề trang trọng trên logo của Báo PLVN “Vì Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam!” – như lời nhắc nhở, mục tiêu hành động của mỗi nhà báo, phóng viên, người làm báo PLVN.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!