Thêm 2 ca mắc bạch hầu được phát hiện tại Thanh Hóa, đều liên quan đến ổ dịch ở khu phố Đoàn Kết, huyện vùng cao Mường Lát.
- Khốn khổ sống chung với mương nước bốc mùi, đen ngòm giữa lòng Hà Nội
- Cứu người phụ nữ Hà Nội sau 28 năm bị lừa bán sang Trung Quốc
Ngày 8/8, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cho biết, kết quả xét nghiệm mẫu do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thực hiện xác định thêm 2 ca bạch hầu trong ổ dịch. Bệnh nhi là em bé 10 tuổi và cụ bà 74 tuổi, đều là người thân của thai phụ mắc bạch hầu trước đó, xét nghiệm dương tính sau 3 ngày cách ly theo dõi.
Như vậy, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có tổng cộng 3 ca mắc bạch hầu đã được phát hiện tại ổ dịch ở khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát. Còn 21 F1 đang tiếp tục cách ly theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát và tại nhà.
Trước đó, tối 5/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa ghi nhận ca bệnh đầu tiên dương tính với bệnh bạch hầu. Đó là nữ bệnh nhân P.L.M, sinh năm 2007, ở bản San Cha, xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; thường trú tại tiểu khu Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.
Qua rà soát, sàng lọc, lực lượng chức năng thực hiện lấy 12 mẫu xét nghiệm dịch ngoáy họng, trong đó có 5 mẫu có các triệu chứng viêm amidan, đau rát họng và 7 mẫu là các trường hợp F1 có tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên, là người thân với bệnh nhân và sinh sống gần nơi ở của bệnh nhân.
Mường Lát là huyện vùng núi khó khăn, tỷ lệ bao phủ vắc xin chưa cao, năng lực thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh cũng như giám sát, phòng, chống các bệnh truyền nhiễm còn hạn chế; nếu không kiểm soát tốt sẽ có nguy cơ bùng phát dịch.
Bởi vậy, ngày 6/8, Sở Y tế Thanh Hoá có văn bản hỏa tốc gửi các ban, ngành và đơn vị liên quan tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm Y tế, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát và Tổ công tác của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tiến hành giám sát, điều tra dịch tễ ca bệnh, lập danh sách người tiếp xúc gần, cách ly y tế, cách ly tại nhà theo quy định đối với các trường hợp nguy cơ cao trong thời gian bệnh nhân khởi phát bệnh; tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu đến bà con ở thị trấn.
Phạm Dương – Lê Loan