Khái niệm “thời trang xanh” không còn mới với ngành thời trang quốc tế. Tuy nhiên, điều này vẫn còn khá xa lạ với thời trang trong nước, cần có những người tiên phong dám nghĩ, dám làm để đưa thời trang Việt hội nhập quốc tế.
“Thời trang nhanh” vẫn được ưa chuộng
Nếu “thời trang xanh” đang còn tương đối xa lạ với nhiều người thì “thời trang nhanh” lại là một khái niệm khá quen thuộc trong giới trẻ Việt Nam. Cũng như “thức ăn nhanh”, thời trang nhanh nói đến dòng thời trang hướng đến đối tượng trẻ tuổi, luôn cập nhật trào lưu mới, liên tục ra mắt các bộ sưu tập mới, mức giá vừa tầm, thoả mãn nhu cầu của tầng lớp trung lưu cho đến thu nhập thấp. Mỗi năm, những thương hiệu hàng đầu trong ngành “thời trang nhanh” tung ra thị trường hàng tỷ sản phẩm và hàng trăm ngàn mẫu thiết kế mới. Họ có cửa hàng trên toàn cầu và doanh thu tỉ đô mỗi năm.
Tại Việt Nam, những năm gần đây xuất hiện hàng loạt thương hiệu “thời trang nhanh” như thế. Các cửa hàng “mọc” lên tại các trung tâm thương mại lớn, thu hút sự quan tâm, ưa chuộng của đông đảo giới trẻ. Những dịp khai trương cửa hàng mới đều thu hút nhiều thanh niên xếp hàng để trở thành những người đầu tiên sở hữu các món đồ thuộc bộ sưu tập mới cũng như quà tặng từ các thương hiệu.
Tuy nhiên, mặc dù nằm ở phân khúc giá tầm thấp, nhưng các sản phẩm thời trang thuộc dòng “thời trang nhanh” lại được đánh giá là dễ gây ra lãng phí. Lý do nằm ở mức giá thấp và sự thay đổi liên tục về mẫu mã khiến sản phẩm cũ mau trở nên lỗi thời, kích thích người dùng liên tục loại bỏ sản phẩm cũ, mua sắm sản phẩm mới.
Cạnh đó, các hãng thời trang giá rẻ thường sử dụng nguyên liệu khó phân huỷ, dùng hoá chất trong quá trình xử lý. Những điều này dẫn đến kết quả, thời trang trở ngành đứng thứ 2 gây ô nhiễm môi trường toàn cầu với lượng rác thải khổng lồ thải ra môi trường hàng năm và “rác thải thời trang” đã trở thành một khái niệm mới gây lo lắng cho những người bảo vệ môi trường toàn cầu.
Sự ra đời của “thời trang xanh” chính là để khắc phục những nhược điểm của “thời trang nhanh” khi các sản phẩm có nguồn nguyên liệu sản xuất từ thiên nhiên, được nhuộm màu cũng từ màu của các loại cây, lá trong thiên nhiên. “Thời trang xanh” còn rất ưa chuộng nguyên liệu tái chế, nhiều hãng còn lấy chính vải thừa hoặc sản phẩm bỏ đi của các thương hiệu thời trang khác để sản xuất ra sản phẩm mới.
“Thời trang xanh” cũng chú trọng đến sự tỉ mỉ trong chế tác, hướng đến những chi tiết thủ công trong sản phẩm, ưu tiên tính dân tộc, tính độc đáo, sáng tạo dựa trên những nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên.
Những bước đi đầu tiên của “thời trang xanh”
Trên thế giới, người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều đến nguồn gốc, chất liệu sản phẩm, hướng việc tiêu dùng đến tuân thủ nguyên tắc bảo vệ môi trường. Vì thế, “thời trang xanh” nhanh chóng trở thành một xu thế mạnh mẽ. Và ngay cả các thương hiệu “thời trang nhanh” nổi tiếng cũng bắt đầu hoà nhịp khi cho ra mắt những bộ sưu tập thời trang bảo vệ môi trường, có chiến dịch thu lại quần áo cũ để tái chế…
Thời trang Việt Nam tuy “chậm” hơn thời trang quốc tế, nhưng trong những năm qua, có thể nhận thấy sự nỗ lực của những người trong ngành trong những bước đi đầu tiên theo xu thế “thời trang xanh”.
Các sản phẩm thời trang được sản xuất từ vải sinh thái (Eco-Fabric) gần như phổ biến trên toàn cầu và cũng đã được một số nhà sản xuất thời trang trong nước sử dụng. Những sản phẩm thời trang từ nguyên liệu lá cỏ bàng, cói, mây tre cũng bắt đầu thịnh hành, được một bộ phận giới trẻ yêu thích.
Có thể kể đến một số thương hiệu tiên phong trong nước có tên tuổi trong xu thế “thời trang xanh” như Comay Craf, BLA is BLUE, Hạnh Silk, Tsafari, Faslink… Điều đáng trân trọng là các đơn vị thời trang tiên phong ngoài việc sử dụng nguồn nguyên liệu xanh, tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu mới cho dệt may và biến các loại sợi từ bã cà phê, vỏ chuối, bã mía, vỏ bắp, sợi dứa, tơ sen…, còn lấy tinh thần dân tộc làm cảm hứng chủ đạo để cho ra mắt những sản phẩm thuần Việt mang tính nghệ thuật cao, được quốc tế đón nhận. Nhiều nhà thiết kế thời trang trong nước cũng chọn “thời trang xanh” là hướng phát triển chính cho sự nghiệp của mình.
Phát biểu tại một sự kiện thời trang hồi đầu năm nay, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết: Xu thế hiện nay của ngành thời trang thế giới là phải bảo vệ môi trường bằng cách cho ra đời những sản phẩm xanh. Theo đó, từ nguyên liệu trở đi phải “sạch” và ngay cả người lao động làm việc trong các doanh nghiệp cũng phải được thực hiện quyền của họ. Theo trào lưu này, doanh nghiệp Việt không có lựa chọn nào khác và phải phát triển bền vững.
Tuy nhiên, “thời trang xanh” của Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa so với thế giới. Tại Tọa đàm bàn về “Những người tiên phong của “thời trang xanh” Việt Nam”, do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức mới đây, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, “thời trang xanh”, thời trang bền vững nằm trong xu hướng chung của thế giới, từ sản xuất, thiết kế cho tới phân phối và tiêu dùng đã thành một chuỗi của kinh tế bền vững.
Tuy nhiên, bà Hạnh trăn trở “thời trang xanh” vẫn đang khá mới ở Việt Nam. Việt Nam đang sống trong “thời trang nhanh” là chủ đạo. Mặt khác, nền kinh tế hiện nay đang suy giảm nên người tiêu dùng không có điều kiện để chạy theo “thời trang xanh”.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, “thời trang xanh” vẫn đang là một trong những nhịp đập chính trong các hoạt động thời trang của Việt Nam. Trong khi đó, tại châu Âu “thời trang xanh”, bền vững đã là xu hướng chính. Vì thế, để thay đổi thị trường trong nước, bà Hạnh cho biết cần phải quảng bá về nội dung xanh, bền vững rất nhiều để lan toả cho cộng đồng.