Là một trong 6 tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ (TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh), nổi tiếng với với núi Bà Đen được mệnh danh “nóc nhà Nam Bộ”; nếu nói điểm đặc sắc của Bà Rịa – Vũng Tàu là “xuống biển” thì điểm đặc sắc của Tây Ninh chính là “lên rừng”.
- “Giải mã” sức hút của du lịch Việt Nam trong mắt khách quốc tế
- “Đánh thức” tiềm năng phát triển du lịch qua điện ảnh
- Nghệ An tăng cường chấn chỉnh hoạt động du lịch
Tây Ninh được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử – văn hóa, từ Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, Tòa thánh Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền Nam, Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát… Cao điểm mùa khô Đông Nam Bộ, có thời điểm nắng nóng 39 – 40 độ C, nhưng nhiệt độ trên đỉnh núi Bà Đen luôn thấp hơn 8 – 10 độ C, như là một thế giới khác. Có đường biên giới gần 240km với Vương quốc Campuchia cùng 16 cửa khẩu, cũng là một lợi thế để địa phương này phát triển du lịch.
Về văn hóa, ẩm thực, từ nhiều năm nay Tây Ninh đã nổi danh với những món ăn tưởng là giản dị, nhưng lại được rất nhiều người thực sự “hâm mộ”, như bánh tráng trộn, bánh tráng phơi sương, bò tơ, bánh canh, muối ớt, các món chay… Năm 2023, nghề làm muối ớt và nghệ thuật chế biến món ăn chay của Tây Ninh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Năm 2023 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch Tây Ninh. Địa phương này đón hơn 5,1 triệu lượt khách (tăng 13,2% so cùng kỳ, tăng 2% so với kế hoạch). Trong 4 tháng đầu năm 2024, Tây Ninh tiếp tục “bội thu” du lịch, đón gần 3 triệu lượt khách tham quan (đạt trên 50,4% so với kế hoạch năm 2024 đề ra), tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.580 tỷ đồng. Du lịch Tây Ninh đang hướng đến mục tiêu đạt và vượt 5,5 triệu lượt khách trong năm 2024.
Những số liệu trên đây cho thấy sự đúng đắn của Trung ương và địa phương đã đặt ra trước đó trong quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đặt ra mục tiêu đến năm 2030, dịch vụ du lịch là một trong những động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển dịch vụ du lịch của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Để thực hiện mục tiêu này, các đơn vị chức năng Tây Ninh đã có nhiều hoạt động; từ xúc tiến thương mại du lịch sang nước ngoài, tổ chức các lễ hội, phát triển các loại hình du lịch công nghiệp, đường sông, làng nghề truyền thống, vui chơi giải trí, văn hóa… hay phối hợp các địa phương lân cận Bình Dương, Bình Phước khảo sát, hoàn thiện tour “1 cung đường – 3 điểm đến”…
Tuy nhiên, còn một yếu tố quan trọng khác có thể giúp du lịch Tây Ninh thực sự bứt phá, nhưng để thực hiện thì cần sự giúp đỡ, hỗ trợ rất lớn từ Trung ương và các tỉnh bạn. Đó là con đường mới để giảm tải cho QL22 từ TP HCM đến Tây Ninh từ nhiều năm nay đã rất quá tải, thường xuyên kẹt xe trầm trọng. Với thời gian dự kiến khởi công dự án cao tốc TP HCM – Mộc Bài vào tháng 5/2025 và hoàn thành, thông xe tháng 12/2027; kỳ vọng những tiềm năng du lịch của Tây Ninh nhất định sẽ sớm “bùng nổ”.