Nhà tre nổi (Floating Bamboo House) là mẫu nhà dành cho người dân vùng sông nước Việt Nam, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là kiểu nhà ba gian mới, được dựng lên từ những thanh tầm vông (đường kính 3cm – 4,5cm, dài 3m hoặc 6m) liên kết đơn giản với nhau bằng chốt và dây buộc.
- Ngôi nhà trên cây không cần điều hoà và có thể tháo rời, di chuyển
- Ngắm nhìn ngôi nhà bằng vật liệu tái chế đẹp như Resort tại Vũng Tàu
- Mát mắt nhà sàn giữa vườn dừa bất chấp thời tiết khắc nghiệt
Bên ngoài ngôi nhà được che chắn và bên trong được ngăn chia bằng các vật liệu nhẹ như tấm cót ép tre, lá, tôn, phên tre,… Mái nhà lớn để thu gom nước mưa và khai thác năng lượng mặt trời. Hệ cửa đóng mở linh hoạt góp phần giúp ngôi nhà đủ khỏe khi gặp thời tiết bất lợi, đồng thời khiến ngôi nhà như những bông hoa giữa mùa nước nổi, tạo nên sự nhận diện đặc trưng.
Nhà tre nổi trên mặt nước nhờ hệ thống thùng phuy nhựa buộc vào dưới sàn, ở giữa là các thùng dự trữ nước ngọt và thùng làm bể tự hoại.
Nhà tre có mặt bằng hình vuông với diện tích 36m2 (6m x 6m), hai tầng sử dụng và có thể nối dài thêm để tăng diện tích sử dụng. Khi gỡ bỏ các tấm sàn tầng hai, ngôi nhà sẽ trở thành một không gian thông thoáng được sử dụng làm nhà cộng đồng, lớp học, thư viện,.. gợi nhắc đến mái nhà Rông, mái Đình (một nơi đặc trưng của người Việt đã có từ lâu đời). Trong tương lai, những quần cư nổi yên bình sẽ được hình thành khi nhiều nhà tre được kết nối với nhau qua những sân chơi nổi, bè trồng rau, nuôi cá,..
Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới do biến đổi khí hậu, khi mực nước biển (được dự báo) dâng lên 1m sẽ khiến cho 47% diện tích đồng bằng sông Cửu Long và 13% diện tích đồng bằng sông Hồng bị ngập nước, làm ảnh hưởng trực tiếp đến 20-30 triệu người dân. Như vậy, nhà tre nổi có thể giúp cho hàng triệu gia đình nghèo có thể sớm tự tay tạo dựng được chỗ ở ổn định và an toàn, thích ứng với kịch bản xấu của biến đổi khí hậu.
H.V (tổng hợp)