Ngày 10/12, tại phần thảo luận trong ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 20, HĐND TP HCM khóa X, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP thông tin về tình hình bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; phòng, chống tội phạm lừa đảo qua mạng, tội phạm công nghệ cao trên địa bàn TP.
- Tiktoker ‘Mr Pips’ cầm đầu băng nhóm lừa đảo hơn 2.600 người trên cả nước
- Hai vợ chồng Phó Giám đốc một ngân hàng lừa đảo, chiếm đoạt hơn 61 tỷ đồng
- Đầu thú sau khi lừa đảo 43 tỷ đồng, trốn hơn 3 năm
Theo Thiếu tướng Hưởng, trong năm 2024, TP đã khởi tố 4.515 vụ án về trật tự xã hội (giảm 1.249 vụ so cùng kỳ, tỷ lệ gần 21,7%), trong đó đã khám phá 3.282 vụ, lực lượng Công an TP đã bắt 5.936 đối tượng. Tội phạm sử dụng công nghệ cao vẫn diễn biến phức tạp. Thời gian qua, trên địa bàn xảy ra 560 vụ lừa đảo, với nhiều phương thức, thủ đoạn như sử dụng công nghệ gọi điện thoại bằng tổng đài ảo VOIP qua mạng Internet để lừa đảo bằng hình thức trúng thưởng, cho vay tín chấp ngân hàng hoặc giả danh cơ quan chức năng yêu cầu nạn nhân cập nhật thông tin thông qua đường link lạ…
Công an TP đã lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin người dân về những số điện thoại lừa đảo. Theo đó, người dân có thể đến trực tiếp trụ sở công an hoặc liên hệ thông qua số điện thoại trực ban của Công an TP, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP, Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao hoặc số điện thoại trực ban của Công an 21 quận, huyện và TP Thủ Đức. Các đơn vị trực thuộc đã thành lập các trang mạng xã hội trực tuyến, người dân có thể trực tiếp nhắn tin để trình báo tội phạm. Ứng dụng VNeID đã tích hợp tính năng kiến nghị, phản ánh về an ninh trật tự để người dân có thể kiến nghị trực tuyến…
Tuy nhiên, tội phạm nói chung và tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm lừa đảo qua mạng nói riêng có tính chất quốc tế cao, sẽ liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động để đối phó với biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn của cơ quan chức năng. Vì vậy, Công an TP rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng và chung tay hỗ trợ của người dân.
Phó Giám đốc Công an TP HCM cũng lưu ý người dân không công khai thông tin cá nhân một cách tùy tiện trên không gian mạng. Với các loại tài khoản số, cần chú ý việc bảo mật tài khoản, không cung cấp tên đăng nhập, mã OTP xác thực các loại tài khoản cho người lạ; đồng thời cập nhật sinh trắc học cho các tài khoản ngân hàng…
Hiện nay, Công an TP đã kiến nghị Bộ Công an báo cáo cấp có thẩm quyền đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý có liên quan công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Trong đó, kiến nghị bổ sung quy định pháp luật về các loại tài sản số, tiền kỹ thuật số, tiền ảo. Xây dựng cơ chế trao đổi, phối hợp, xác minh thông tin liên quan các hành vi phạm tội giữa cơ quan công an với các Cty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Đẩy mạnh triển khai các quy định pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng. Chấn chỉnh hoạt động quản lý, đăng ký tài khoản ngân hàng của các tổ chức ngân hàng, Cty tài chính, ví điện tử…
Song song đó, siết chặt quản lý giao dịch trực tuyến, thêm các điều kiện bảo mật, hạn mức chuyển tiền trực tuyến, xác thực sinh trắc học để phòng ngừa tội phạm, bảo vệ tài sản cho người dân.
Công an TP cũng kiến nghị Bộ Công an tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng, nhất là ký hiệp định tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm, phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm với các quốc gia, vùng lãnh thổ có nhiều đối tượng nghi vấn hoạt động phạm tội trên không gian mạng nhắm vào địa bàn Việt Nam.
Liên quan lĩnh vực, Công an TP HCM phát đi thông báo cho biết, gần đây đơn vị nhận được tin báo tố giác tội phạm của người có địa vị xã hội, điều kiện kinh tế bị các đối tượng dùng thủ đoạn cắt ghép hình ảnh cá nhân vào các hình ảnh được cắt ra từ các clip có nội dung “nhạy cảm”, “tống tiền” để chiếm đoạt tài sản… Theo Công an TP, các đối tượng tìm kiếm thông tin, hình ảnh, số điện thoại của những người có điều kiện kinh tế, địa vị xã hội, thành đạt trên mạng xã hội. Sau đó, đối tượng cắt ghép hình ảnh khuôn mặt của nạn nhân vào hình ảnh được cắt ra từ clip có nội dung nhạy cảm… Tiếp đó, đối tượng giả là thám tử tư gọi điện báo cho nạn nhân về việc phát hiện người này có quan hệ bất chính với người khác; gửi cho nạn nhân hình ảnh “nhạy cảm”. Khi nạn nhân lo sợ, các đối tượng yêu cầu nạn nhân “chuộc lại ảnh nóng” bằng cách hướng dẫn mua tiền điện tử (loại tiền USDT) và chuyển đến tài khoản ví điện tử theo chỉ định rồi chiếm đoạt. Công an đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân khi hoạt động trên môi trường mạng. Tuyệt đối không truy cập vào đường dẫn (link) web lạ, không rõ nguồn gốc (có thể được gửi kèm trong tin nhắn hoặc email); chỉ cài đặt ứng dụng trực tuyến từ nguồn chính thức của hệ điều hành điện thoại như App Store của IOS hay CH Play của Android; có ý thức bảo vệ tài khoản mạng xã hội, tài khoản cá nhân, địa chỉ cơ quan, nơi ở, nơi làm việc… Nếu người dân bị lừa đảo hoặc nghi vấn bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần trình báo, cung cấp thông tin đến cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn, xử lý. |