Mỗi dịp đầu năm học, câu chuyện “lạm thu” lại trở thành nỗi bức xúc của phụ huynh và học sinh. Các khoản thu không rõ ràng, những chi phí “tự nguyện” nhưng bắt buộc và việc áp đặt những khoản thu không nằm trong quy định của Nhà nước làm gia tăng gánh nặng tài chính lên gia đình học sinh.
- Nhận làm thủ tục nhà đất, người phụ nữ lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng
- Nhờ nhân viên tín dụng ngân hàng làm thủ tục đáo hạn rồi bị lừa đảo
- Mục tiêu 54 tỷ USD xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ hoàn thành
Nghiêm cấm “lạm thu”
Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh đã xây dựng dự thảo hướng dẫn tổ chức các khoản thu trong năm học 2024 – 2025, bao gồm học phí và các khoản thu dịch vụ phục vụ giáo dục. Theo vị đại diện Sở GD&ĐT Hồ Chí Minh, học phí được thực hiện Nghị quyết số 12/2024 của HĐND TP.
Riêng các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục thì ngoài 9 khoản thu mà HĐND TP Hồ Chí Minh quy định trong Nghị quyết số 13/2024, còn có thêm một số khoản thu khác theo quy định nhằm hỗ trợ các trường tổ chức tốt nhất các hoạt động giáo dục trong năm học mới.
Theo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, trong các khoản thu đầu năm học không có “quỹ lớp”, “quỹ trường”, chỉ có kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục phải quán triệt thật nghiêm nội dung này, không thực hiện thu quỹ trường từ phụ huynh học sinh; yêu cầu các lớp trong trường mình không thực hiện thu quỹ lớp của phụ huynh đầu năm học.
Đồng thời, việc tổ chức kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường cần thực hiện nghiêm theo Thông tư số 55 của Bộ GD&ĐT. Trong đó, kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh do Ban đại diện cha mẹ học sinh quản lý, sử dụng và chỉ phục vụ các hoạt động trực tiếp của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Sở GD&ĐT nghiêm cấm việc các trường lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư số 55.
Hiện nay, dự thảo đã gửi lấy ý kiến của các quận, huyện và TP Thủ Đức, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố cũng như ý kiến góp ý của Sở Tài chính. Sau đó, Sở sẽ phối hợp với Sở Tài chính xây dựng hướng dẫn tổ chức các khoản thu dịch vụ giáo dục cụ thể. Từ đó các địa phương, nhà trường mới căn cứ để thực hiện đúng quy định, thống nhất, tránh việc “lạm thu”… Hướng dẫn sẽ được Sở sớm ban hành trước năm học mới.
Chị Lê Phan Thảo Nguyên, phụ huynh có con học cấp 1 và cấp hai tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh cho biết: “Mọi năm cũng có nhắc nhở từ Sở GD&ĐT về việc nghiêm cấm “lạm thu”, nhưng tôi thấy nhiều trường vẫn nghĩ ra nhiều cách để “lách” rất tinh vi, phụ huynh cũng không làm gì được. Như con tôi, năm ngoái ngoài các khoản chính theo quy định, phải đóng thêm cho nhà trường tổng cộng 6 triệu đồng.
Tôi nghĩ, nếu có ban hành những hướng dẫn thật cụ thể, đồng thời cũng phải đi kèm với việc giám sát các trường học, đặc biệt một số trường mà phụ huynh đã có phản ánh, quy trách nhiệm cho những người đứng đầu nhà trường thì may ra tình trạng “lạm thu” đầu năm mới giảm bớt, phụ huynh mới có thể thở phào nhẹ nhõm”.
Không chừa kẽ hở để “lách” luật
Có thể nói, tình trạng “lạm thu” phí đầu năm học diễn ra nhiều năm nay, cả ở cơ sở giáo dục công lập lẫn tư thục. Dù các khoản phí đầu năm học được quy định rõ ràng bởi Bộ GD&ĐT, nhưng không ít trường vẫn cố tình “lách” luật hoặc tự ý đặt ra những khoản thu vượt mức.
Nhiều khoản thu được ghi nhận dưới dạng “tự nguyện” nhưng thực chất lại mang tính bắt buộc, khiến phụ huynh buộc phải đóng góp mà không có lựa chọn khác. Điều này không chỉ vi phạm quyền lợi của học sinh và phụ huynh mà còn làm giảm uy tín của nhà trường và hệ thống giáo dục nói chung.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực GD&ĐT đối với năm học mới 2024 – 2025. Theo đó, đối với học phí, Bộ GD&ĐT yêu cầu thực hiện mức thu học phí theo đúng quy định tại Nghị định số 97/2023/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí.
Mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ sở giáo dục được thực hiện theo Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh ban hành phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Để giảm thiểu và tiến tới loại bỏ hoàn toàn tình trạng “lạm thu” phí, câu chuyện không chỉ nằm ở sự tự nguyện tuân thủ từ phía nhà trường mà vai trò của các Sở GD&ĐT địa phương là vô cùng quan trọng. Thiết nghĩ, cần có sự tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động thu, chi tại các trường học trên địa bàn. Việc kiểm tra cần được thực hiện định kỳ và đột xuất, nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.