Anh Hải cho biết thêm, vụ bưởi năm nay khoảng 2 tháng nữa sẽ bước vào thời kỳ thu hoạch, riêng bưởi sản lượng ước đạt khoảng 150 tấn, thu về khoảng 1,2 tỷ đồng. Ngoài trồng hàng ngàn cây ăn quả, những năm qua ông chủ Lê Vạn Hải còn thiết kế trang trại bài bản với địa hình trên núi, dưới hồ đang có ý tưởng sẽ phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm sinh thái. Để mỗi lần du khách đến đây sẽ cảm nhận sự giao hòa, gần gũi với thiên nhiên, tự tay hái hoa quả trong vườn thưởng thức. Đây cũng sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả để sản phẩm của trang trại được nhiều người biết đến. Đến nay sau nhiều năm tâm huyết, nỗ lực, trang trại của anh Lê Vạn Hải đã nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen, Cờ thi đua của UBND tỉnh Hà Tĩnh và các sở, ngành, địa phương, khẳng định vị thế trang trại xanh trên vùng “đất lửa”.
Trong suy nghĩ của nhiều người, vùng núi Trà Sơn, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) là “tọa độ lửa” trong chiến tranh chống Mỹ, vùng khô cằn sỏi đá và chi chít những dấu vết của bom đạn. Ít ai ngờ rằng khoảng 10 năm trở lại đây trên vùng “đất lửa” này đã xuất hiện nhiều trang trại nông nghiệp xanh, mang hơi thở của công nghệ hiện đại.
- Xứ Nẫu – Bình định, Phú yên: Trời xanh, biển xanh, cát trắng, nắng vàng
- Từ rốn lũ Quảng Bình thành “Làng Du lịch tốt nhất thế giới”
Đưa công nghệ Israel về phủ xanh 30ha cây ăn quả
Vùng núi Trà Sơn nằm ở phía Tây Nam của huyện Can Lộc, trải một vệt dài từ xã Sơn Lộc, Mỹ Lộc, Đồng Lộc, Thượng Lộc, Gia Hanh, Phú Lộc và Thường Nga, đây là vùng bán sơn địa đất đai khô cằn. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (giai đoạn 1965 – 1972) vùng đất này được coi là “tọa độ lửa”, mưa bom, bão đạn với những địa danh đã đi vào sử sách như: Quốc lộ 15A, Cống 19, Cầu Bạng, Ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao… Người dân ở đây kể rằng, ngày hòa bình mới lập lại, người dân trong vùng vẫn thường sống bằng nghề rà phế liệu, lên rừng đốn củi.
Nhưng giờ đây đi dọc quốc lộ 15A ngắm lên những đồi cây bên đường được phủ một màu xanh tít tắp. Trong hàng trăm trang trại trên dải đất Trà Sơn này chúng tôi ấn tượng khi tới thăm trang trại của anh Lê Vạn Hải ở thôn Đất Đỏ, xã Thường Nga, huyện Can Lộc. Qua trò chuyện, anh Hải nhận mình đã trở thành nông dân chính hiệu, năm nay đã bước sang tuổi 52 nhưng anh Hải đã có hơn 30 năm lăn lộn thử sức với nhiều lĩnh vực thương mại, dịch vụ… Năm 2013, anh Hải quyết định thực hiện giấc mơ làm nông nghiệp hiện đại. Để cây ăn quả bén rễ trên vùng đất này điều đầu tiên phải chủ động được nước tưới thường xuyên.
Anh Hải chia sẻ: “Thời của công nghệ thì nông dân cũng phải làm nông bằng công nghệ, dù phía dưới trang trại có hồ Khe Lang nhưng nếu dùng máy bơm tay để tưới hàng ngày không thể làm xuể. Tôi đã khăn gói đi học hỏi nhiều nơi và quyết định đầu tư gần 3 tỷ đồng đưa hệ thống tưới nước phun mưa và cung cấp dinh dưỡng theo công nghệ Israel, mời các chuyên gia Israel sang lắp đặt và chuyển giao quy trình với hệ thống nhà điều hành và 6 trạm van bố trí trong trang trại phủ rộng 30ha, cấp nước tận gốc cho 2.700 gốc bưởi, 3.000 gốc cam, 2.000 gốc ổi…”.
Anh Hải cho biết thêm, với phần mềm được lập trình sẵn, việc ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến đã giải phóng sức lao động rất lớn. Theo tính toán, nếu làm thủ công, muốn tưới hết diện tích này thì 10 công nhân trong trang trại tưới cả ngày cũng chưa xong. Sau khi lắp đặt công nghệ các chuyên gia Israel hướng dẫn và chuyển giao, người lao động chỉ đi kiểm tra máy vận hành tưới nên rất nhanh.
Ngoài ra, việc áp dụng tưới phun mưa hiệu quả sử dụng rất cao vì hạn chế cao độ tổn thất nước do bốc hơi vì tia phun ngắn, cường độ phun mưa và diện tích (khoảng không gian làm ướt) có thể được điều chỉnh cho phù hợp sự tăng trưởng của cây trồng, không tạo nên dòng chảy mặt đất, không phá vỡ cấu tượng đất do hạt mưa nhỏ. Nhờ chủ động được nước tưới thường xuyên mà trong những ngày tháng 7 này, ngay giữa “chảo lửa” miền Trung trang trại hàng ngàn cây bưởi, cây cam vẫn xanh mướt.
Thành công sau nhiều lần thất bại
Sau 10 năm làm ông chủ nông nghiệp và dấn thân như một nông dân thực thụ, hành trình đến với thành công khi tìm được những sản phẩm cây trồng trụ vững trên vùng “đất lửa” này không hề đơn giản. Anh Lê Vạn Hải đã phải xách ba lô đi đến mọi miền để tìm tòi, nghiên cứu từ khâu chọn giống, cách chăm sóc cây trồng và liên hệ với các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời tìm hiểu thị trường. Có được ý tưởng và vốn liếng kiến thức.
Sau 2 năm máy móc làm việc không ngơi nghỉ, anh Hải cùng các công nhân đã biến đồi hoang 30ha thành trại cây ăn quả ngút ngàn với với 1.500 gốc thanh long ruột đỏ, 2.000 gốc ổi, 2.700 gốc bưởi da xanh, 3.000 gốc cam và 500 cây mít Thái. Tuy nhiên, không phải loài giống cây gì cũng trụ vững vùng đất khắc nghiệt này.
Anh Hải trầm ngâm nói: “Vừa rồi tôi phải thắt ruột phá bỏ 1.500 trụ thanh long ruột đỏ sau 5 năm bén rể ở mảnh đất này vì hiệu quả thấp. Do thời tiết mùa hè ở vùng đất này quá nóng mặc dù chủ động nước tưới thường xuyên nhưng nhiệt độ quá cao khiến cây bị cháy. Nếu đầu tư lưới che trồng nhiều như vậy công chăm sóc hàng ngày quá cao cũng sẽ lỗ nặng. Rồi đến cây mít Thái cũng chung số phận hiệu quả thấp. Tôi phải trả giá đắt trong câu chuyện vừa học, vừa làm”.
Tuy nhiên, không phải bước đi táo bạo nào cũng làm khó ông chủ Lê Vạn Hải, ngoài hơn 3.000 gốc cam giòn, cam Xã Đoài, Cam V2 – loại cây trồng bản địa được khẳng định năng suất và hiệu quả trên vùng đất miền Trung nắng gió này thì trong trang trại của anh Hải còn có hơn 2.700 cây bưởi da xanh và bưởi Phúc Trạch đang trong thời kỳ phát triển và đậu trái sum suê. Anh cho biết: “Tôi lặn lội vào tận miền Tây học cách trồng bưởi da xanh và đến nay có thể khẳng định với lợi thế bảo đảm nước tưới nên bưởi da xanh phù hợp thổ nhưỡng và phát triển tốt trên vùng đất Trà Sơn này. Tuy nhiên, sau 2 vụ đầu cho thấy sản lượng trái trên cây so với trồng ở miền Tây còn thấp, mỗi cây ở đây chỉ đạt 40 – 50kg, nhưng bù lại tỷ lệ độ ngọt (độ đường) ở đây cao vượt xa các nơi. Vì vậy mà 2 vụ vừa qua khách hàng đặt nhiều nhưng trang trại không có đủ bán”.