Nghi ngờ 2 tờ đô la Singapore do Thoa mang đến là giả, nhân viên ngân hàng hỏi còn nữa không. Sau đó, họ nhận được thêm 98 tờ đô la Singapore giả tiếp nên lập biên bản, báo công an.
- Quyết liệt các giải pháp để đạt kết quả thu ngân sách ở mức cao nhất
- Bắt giữ khẩn cấp thanh niên giả mạo cán bộ công an tại Hải Phòng
- Cảnh báo trang tin giả mạo giải chạy “Đà Lạt Music Night Run”
Ngày 5/12, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Lưu Như Cương (SN 1972, ở Hà Nội), Trần Mạnh Cường (SN 1971, ở Hà Nội), Vũ Thị Nhài (SN 1966, ở Bà Rịa – Vũng Tàu), Nguyễn Văn Phương (SN 1964, ở Bà Rịa – Vũng Tàu) và Nguyễn Thị Thúy (SN 1970, ở TP HCM) ra xét xử về tội “Lưu hành tiền giả”.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 16h ngày 18/9/2023, tại Phòng giao dịch Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Nam Cao, quận Ba Đình, Hà Nội, nhân viên ngân hàng tiếp nhận 2 tờ tiền đô la Singapore mệnh giá 10.000 đô la/1 tờ, do Dương Thị Thoa (SN 1983, ở Hoài Đức, Hà Nội) đến đổi sang tiền VND. Do nghi 2 tờ đô la trên là giả, phía Ngân hàng hỏi Thoa còn tiền đô để đổi nữa không. Lúc này, Thoa gọi cho người khác, bảo mang thêm tiền đến đổi.
Kết thúc cuộc gọi, người của Thoa đến ngân hàng. Tại cửa, họ được Trần Mạnh Cường đưa thêm 98 tờ đô la Singapore mệnh giá 10.000 đô la/1 tờ để vào đổi.
Sau khi so sánh, đối chiếu, nhân viên ngân hàng nói số tiền đô la trên là giả nên lập biên bản sự việc và báo Công an phường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội đến giải quyết. Từ lời khai của những người mang tiền đi đổi, lực lượng chức năng phát hiện Trần Mạnh Cường và những nghi phạm khác trong đường dây lưu hành tiền giả này.
Tại cơ quan công an, Lưu Như Cương khai, thông qua mối quan hệ ngoài xã hội, khoảng đầu tháng 4/2022, Cương đến khu vực gần cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn gặp một người đàn ông (không quen biết) mua 1 triệu đô la Singapore giả gồm 100 tờ mệnh giá 10.000 với giá 5 triệu đồng, sau đó mang về nhà cất giữ. Đến khoảng đầu tháng 9/2023, Cương tiếp tục lên cửa khẩu, gặp người đàn ông kể trên mua thêm 1 triệu đô la Singapore giả với giá 5 triệu đồng.
Sau đó, Cương nhờ Cường đổi giúp 1 triệu đô la Singapore sang tiền Việt Nam đồng với mức giá 12 tỷ đồng. Nếu Cường đổi được nhiều hơn sẽ được hưởng phần chênh lệch. Cương còn nói, số tiền đô la Singapore trên, Cương đã kiểm tra qua máy đếm tiền nhiều lần nhưng không phát hiện là tiền giả.
Về phía Cường, sau khi nhận 1 triệu đô la Singapore, anh ta đã lên mạng Internet tìm hiểu cách phân biệt tiền và tỷ giá. Quá trình tìm hiểu, Cường biết 1 triệu đô la Singapore có giá trị khoảng 17 tỷ đồng, chênh lệch rất lớn so với giá 12 tỷ đồng mà Lưu Như Cương định bán cho Cường. Lúc này Cường “biết” số đô la Cương đưa là giả, bởi nếu là tiền thật, Cương có thể tự bán được và nhìn bằng mắt thường, số tiền trên không sắc nét…
Tuy nhiên, do Cương nói số tiền đô la trên đã kiểm tra máy đếm tiền nhiều lần và máy không phát hiện là tiền giả nên Cường đã liên hệ với nhiều người khác để nhờ đổi hộ, trong đó có bà Thoa.
Chiều 18/9/2023, Cường đến điểm hẹn gặp bà Thoa và những người khác để đưa tiền, mang vào ngân hàng đổi hộ thì bị phát hiện, báo công an.
Ngoài hành vi trên, Lưu Như Cương còn có hành vi cùng Nhài, Nguyễn Văn Phương và Nguyễn Thị Thúy lưu hành 97 tờ tiền đô la Singapore giả mệnh giá 10.000/1 tờ. Khi Thúy cầm số tiền giả này đến địa phận tỉnh Quảng Bình thì bị CQĐT kiểm tra, bắt giữ.
Cơ quan chức năng xác định Lưu Như Cương lưu hàng 1,97 triệu đô la Siangapore (có giá trị tương ứng với hơn 34 tỷ đồng), Trần Mạnh Cường lưu hành 1 triệu đô la Singapore giả (có giá trị hơn 17 tỷ đồng); Vũ Thị Nhài, Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Thị Thúy lưu hành 0,97 triệu đô la Siangapore giả (có giá trị tương ứng hơn 17 tỷ đồng).
Đưa vụ án ra xét xử, sau khi nghị án, HĐXX TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Cương 20 năm tù về tội “Lưu hành tiền giả”. Các bị cáo còn lại bị tuyên mức án từ 12 đến 17 năm tù cùng về tội danh trên.
Đối với Dương Thị Thoa và một số người liên quan, cơ quan chức năng xác định họ đi đổi tiền nhưng không biết đây là tiền giả, không biết nguồn gốc nên không đề cập xử lý.