Trên hành trình khai lập của xứ Quảng, vùng đất Duy Xuyên đã tạo lập được các giá trị lịch sử, văn hóa với sự giao thoa tiếp biến của nền văn hóa Sa Huỳnh – Chămpa – Đại Việt, đóng góp lớn vào tiến trình của lịch sử Quảng Nam và dân tộc, trở thành vùng đất giàu giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa, anh hùng cách mạng.
- Bắt Phó Chi cục trưởng cùng chuyên viên Chi cục Quản lý đất đai ở Quảng Nam
- Hoiana ký kết hợp tác chiến lược quảng bá du lịch với thị trường Hồng Kông
- Công nghệ góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh…
Ngày 20/8, Huyện ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 420 năm danh xưng Duy Xuyên (1604 – 2024).
Tham dự lễ kỷ niệm có các bà Đặng Thị Ngọc Thịnh – nguyên Phó Chủ tịch nước; Thượng tướng Lê Chiêm – nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Lương Nguyễn Minh Triết – Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; ông Lê Văn Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Phan Xuân Cảnh cho biết, năm 1306, khi vua Chiêm Chế Mân giao 2 châu là châu Ô và châu Lý cho Đại Việt đã mở đầu cho những luồng di dân Việt đến vùng đất Quảng Nam. Theo dòng mở cõi về phương Nam, các di dân người Việt cộng cư cùng với người Chăm để khai lập, tổ chức các làng xã trên vùng đất mới.
Trên cơ sở đó, năm 1471, vua Lê Thánh Tông lập ra Đạo Thừa tuyên Quảng Nam. Giáp Thìn, năm thứ 47 (1604), Chúa Tiên Nguyễn Hoàng lấy huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong đặt làm phủ Điện Bàn, quản 5 huyện (Tân Phúc, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh, Phú Châu) lệ thuộc vào xứ Quảng Nam. Đổi phủ Tiên Bình làm phủ Quảng Bình, phủ Tư Ngãi làm phủ Quảng Ngãi, huyện Lê Giang thuộc phủ Thăng Hoa làm huyện Lễ Dương, huyện Hy Giang làm huyện Duy Xuyên. Kể từ thời điểm đó, danh xưng hành chính huyện Duy Xuyên chính thức ra đời.
Trên hành trình khai lập của xứ Quảng, vùng đất Duy Xuyên đã tạo lập được các giá trị lịch sử, văn hóa với sự giao thoa tiếp biến của nền văn hóa Sa Huỳnh – Chămpa – Đại Việt, đóng góp lớn vào tiến trình của lịch sử Quảng Nam và dân tộc, trở thành vùng đất giàu giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa, anh hùng cách mạng.
Duy Xuyên cũng là quê hương của nhiều anh hùng dân tộc, bậc chí sĩ yêu nước, trí thức, văn nhân nổi tiếng như Lê Thiện Trị, Hồ Trung Lượng, Võ Hành, Lê Quang Sung, Nguyễn Thành Hãn, Hồ Nghinh, Hồ Thấu, Hồ Liên, Trương Chí Cương, Bùi Giáng…; nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như khu đền tháp Mỹ Sơn, kinh thành Trà Kiệu, khu lăng mộ các bà hoàng Chúa Nguyễn, nghệ thuật hát tuồng, sắc bùa, bả trạo, dân ca bài chòi và nhiều lễ hội dân gian truyền thống như lễ hội Bà Thu Bồn, lễ hội Bà Chúa Tàm Tang, lễ hội cầu ngư, lễ hội Bà Chiêm Sơn… được bảo tồn và lưu giữ đến ngày nay.
“Duy Xuyên nổi tiếng với truyền thống hiếu học và khoa bảng với 2 tiến sĩ, 5 phó bảng, 54 cử nhân ở các triều đại lịch sử. Vùng đất này đã và đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú với 1 di sản văn hóa thế giới – Mỹ Sơn, 5 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 48 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh… Đây thực sự là một bộ phận quan trọng trong di sản văn hóa dân tộc, là tài sản vô giá mà các thế hệ người Duy Xuyên trao truyền cho đời sau” – ông Cảnh nhấn mạnh.
Từ bề dày lịch sử và văn hóa được trao truyền qua hàng nghìn năm đã hun đúc nên những giá trị truyền thống của vùng đất và con người Duy Xuyên. Trong đó, truyền thống yêu nước và cách mạng như một dòng chảy xuyên suốt, mạch nguồn nuôi dưỡng ý chí, nghị lực, bản lĩnh và khát vọng vươn lên của vùng đất, con người Duy Xuyên trước bao khó khăn, thử thách.
Theo Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, lịch sử hào hùng của mảnh đất này luôn khắc ghi công ơn của 17.424 người con ưu tú của quê hương và hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ trên khắp mọi miền đất nước đã chiến đấu anh dũng, hy sinh trên chiến trường Duy Xuyên. Trong đó có sự sẻ chia to lớn của Đảng bộ và nhân dân huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) kết nghĩa. Huyện Duy Xuyên cũng là địa phương có nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng được Nhà nước phong tặng và truy tặng với 2.091 mẹ, hiện có 87 mẹ còn sống.
Từ một địa phương bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Duy Xuyên từng bước thay da đổi thịt. Từ một huyện nghèo, thuần nông, hằng năm phải nhận viện trợ của trung ương, kinh tế sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, đến nay Duy Xuyên có cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng các ngành công nghiệp – xây dựng, dịch vụ – du lịch tăng dần và hướng đến mục tiêu kinh tế du lịch là ngành mũi nhọn.
Cùng với việc tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu lao động, Duy Xuyên có nhiều chương trình, dự án kêu gọi đầu tư và hình thành nên các cụm công nghiệp ở cả khu tây, khu trung và khu đông. Lượng công nhân trên địa bàn huyện làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp với hơn 20.000 lao động.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho hay, 420 năm qua là khoảng thời gian mà từng cánh đồng, ngọn núi của vùng đất thiêng này in hằn dấu ấn vô cùng đặc biệt, thấm đẫm bao mồ hôi, máu và nước mắt của các bậc tiền nhân đã lao khổ để mài giũa nên dáng hình của vùng đất Duy Xuyên đẹp tựa tơ lụa hôm nay.
Và với ngần ấy thời gian, địa giới Duy Xuyên tuy có xê dịch với các huyện lân cận nhưng các thế hệ người dân Duy Xuyên đã luôn gìn giữ, phát huy, tập trung xây dựng để nơi đây ngày một phát triển, tiến lên.
“Duy Xuyên, quê hương của khoa bảng và cách mạng với nhiều bậc chí sĩ yêu nước, trí thức, văn nhân nổi tiếng. Tiếp nối truyền thống đó cùng nền tảng vững bền từ những trầm tích đặc biệt, riêng có, tôi tin tưởng chắc chắn rằng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Duy Xuyên anh hùng sẽ tiếp tục đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức, khát vọng phát triển, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trong thời gian tới, Duy Xuyên cần chú trọng đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại – dịch vụ, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp. Khai phóng tiềm năng du lịch, đặc biệt là các điểm đến xanh, sản phẩm xanh để trở thành điểm đến được lựa chọn hàng đầu” – ông Dũng nhấn mạnh.
Trước đó, vào tối 19/8, UBND huyện Duy Xuyên tổ chức chương trình nghệ thuật “Tự hào một dải gấm hoa” chào mừng kỷ niệm 420 năm danh xưng Duy Xuyên (1604 – 2024). Chương trình gồm 3 chương: Chương 1 “Cội nguồn” gồm các tiết mục trống hội, mở đất, Thu Bồn ơi, trích đoạn tuồng Bà Chúa Tàm Tang, múa “Duy Xuyên trên con đường giao thương xứ Quảng”. Chương 2 “Đất và người Duy Xuyên” gồm các tiết mục múa hoạt cảnh “Duy Xuyên miền đất hiếu học”, “Duy Xuyên niềm tự hào”, hát múa “Bài thơ quê lụa”, múa “Tinh hoa làng nghề”, ca khúc về Mỹ Sơn. Chương 3 “Duy Xuyên ngày mới” gồm các tiết mục hát múa “Về Duy Xuyên về miền yêu thương”, múa hoạt cảnh ca ngợi thành tựu nông thôn mới huyện Duy Xuyên, 2 tiết mục ca ngợi vẻ đẹp đất nước Việt Nam, hát múa “Duy Xuyên ngày mới”. |