Khi nhìn thấy những mảnh đời cơ cực, khó khăn trên phố, có người sẽ ủng hộ tiền bạc, vật phẩm hay đơn giản là những câu hỏi thăm, động viên. Nhưng có lẽ độc đáo hơn một chút chính là hành động vẽ bảng hiệu miễn phí giúp người lao động khó khăn của đôi bạn trẻ Thanh Phượng và Phú Thịnh.
Nét vẽ tử tế và sắc màu hạnh phúc
“Vẽ nụ cười”, “Vẽ hạnh phúc”, “Vẽ hy vọng” là một trong những loạt video xuất hiện trên kênh TikTok “Vẽ hạnh phúc” của hai bạn trẻ Nguyễn Phan Thanh Phượng (sinh năm 1998) và Nguyễn Phú Thịnh (sinh năm 1994). Là những người yêu hội họa và giàu lòng nhân ái, trong các video hai bạn trẻ sẽ vẽ bảng hiệu miễn phí cho những người bán hàng rong, người lao động khó khăn trong khu vực TP HCM. Qua đó giúp đỡ họ bằng cách thiết thực nhất, thay những biển hiệu cũ kỹ, đơn sơ thành bức tranh bắt mắt thu hút người đối diện giúp cho công việc sinh kế của họ trở nên dễ dàng hơn.
Chia sẻ lý do đi khắp nơi tại TP HCM để vẽ bảng hiệu miễn phí cho người bán hàng rong, hai bạn cho biết, trong lúc đi trên đường, tình cờ bắt gặp được các cô chú, những mảnh đời bôn ba cùng với gánh hàng rong có biển hiệu cũ kỹ. Hầu hết các cô chú đều có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập mỗi ngày cũng chỉ được 100.000 đến 200.000 đồng, trong khi giá một bảng hiệu vẽ tay rẻ nhất đã khoảng 300.000 đồng cho loại nhỏ, còn vẽ lên xe đẩy hàng kích thước lớn cần hơn 1 triệu đồng. Đây là số tiền quá lớn đối với cuộc mưu sinh của họ, vì vậy đôi bạn trẻ đã nảy ra ý tưởng tân trang lại các bảng hiệu. “Bản thân mình cũng biết chút về hội họa nên đã đi vẽ bảng hiệu miễn phí cho các cô chú với mong muốn người mua chú ý hơn, giúp họ bán đắt hàng hơn”, Thanh Phượng chia sẻ.
Nghĩ là làm, bắt đầu thực hiện dự án, mỗi tối, Thịnh sẽ chở Phượng trên khắp các nẻo đường TP HCM, rong ruổi khắp các con phố, thấy xe hàng nào nằm khuất, không có biển hiệu hay biển hiệu cũ kỹ, mờ nhạt, hai bạn sẽ tấp vào ăn để tiếp cận, xin thay đổi biển hiệu. Ban đầu, hoạt động chỉ là thực hiện các thiết kế bản vẽ trên máy tính rồi mang đi in decal và dán lên các bảng hiệu của những cô chú bán hàng rong. Tuy nhiên, cách này chưa thật sự đặc biệt, thậm chí đôi khi nội dung của thành phẩm chưa phù hợp với mong muốn mà các cô chú muốn trao gửi đến khách hàng.
Sau khi suy nghĩ, dự án quyết định chuyển sang sử dụng màu vẽ để tô điểm trực tiếp ngay tại gánh hàng vừa cho ấn tượng hơn, vừa để lắng nghe nguyện vọng, ý tưởng trực quan từ cô chú giúp cho thành phẩm được thực hiện ưng ý nhất. Dụng cụ đi kèm của hai bạn chỉ đơn giản là bộ màu, tấm bảng, vài cây cọ cộng với sự sáng tạo, từ đó những nét vẽ yêu thương đã được ra đời.
Những tưởng đơn giản là vậy, nhưng để thực hiện một biển hiệu đẹp và bền, hai bạn đã chọn những chất liệu tốt nhất trong khả năng có thể: bảng ALU, fomex để bền với thời gian; màu sơn dầu để chi tiết được bắt mắt, dễ thu hút khách. Thời gian vẽ một bảng thường dao động 3 – 5 tiếng vẽ ngoài trời, bất kể giữa trưa nắng hay tối khuya, tùy thuộc vào thời gian hoạt động của các gánh hàng.
Tuy nhiên, để có thể lan toả nét vẽ tử tế không phải điều đơn giản, khó nhất chính là phải làm sao tìm được nhân vật, có hôm chạy ngoài đường 3 đến 4 giờ đồng hồ hai bạn trẻ vẫn không tìm được ai. Lại có khi tìm thấy nhân vật và vào tiếp cận rồi nhưng nhiều người lại từ chối, từ đó loạt video “Những chuỗi ngày vẽ hụt” ra đời.
Đôi khi những lời từ chối là do các cô chú sợ tốn tiền và cũng vì sợ vẽ mất công, mất sức, phiền đến hai bạn. “Thôi con ơi, cái gì mất chi phí cô không làm đâu. Không tốn tiền cô nhưng tiền ở đâu con có mà làm? Vẽ ít thôi, vẽ ít ít thôi đừng để tốn phí nhiều, mà thôi đừng vẽ nghe con”. Dù nhận được nhiều lời từ chối nhưng vì hiểu rằng những gánh hàng này thực sự cần một tấm bảng hiệu nên Phượng và Thịnh đã dành ra cả tiếng đồng hồ để vừa tâm sự, vừa năn nỉ, các cô, các bác mới để hai bạn được trổ tài.
Sự cộng hưởng giữa tài năng hội họa và tấm lòng nhân ái của hai bạn đã tạo nên một hiệu ứng lay động lòng người. Trước thông điệp cảm động, giá trị tích cực mà dự án mang lại, Phượng và Thịnh đã nhận về những lời khen có cánh cũng như sự ủng hộ của cư dân mạng. Hiện tại, trang fanpage của dự án sở hữu gần 100.000 lượt theo dõi và trên nền tảng TikTok, kênh đã vượt mốc 500.000 người theo dõi cùng với hơn 11,9 triệu lượt thích.
Chi phí là những nụ cười
Để nói về những nhân vật mà Phượng và Thanh nhớ nhất có lẽ là ngoại Liên Hoa, người phụ nữ bán bột chiên gần 33 năm ở TP HCM. Qua tháng năm, biển hiệu xe bột chiên của bà đã sờn cũ, rỉ sét, lại nằm khuất trong góc đường. Dù đã cũ nhưng vì đây là kỷ niệm của bà và người chồng đã mất nên bà chỉ cho vệ sinh lại chứ không chịu mua xe mới. Cũng chính vì xe cũ quá nên đây là một trong những lần vẽ lâu và khó nhất của hai bạn.
Bề mặt của chiếc xe bột chiên lâu năm bám đầy dầu mỡ, tróc sơn nên phải chà sạch sẽ rồi mới bắt tay vào trang trí. Hơn 4 tiếng đồng hồ dưới nắng tô vẽ, cuối cùng chiếc xe bột chiên cũ kỹ cũng đã được khoác lên mình một “chiếc áo mới”. Chưa hết, khi thấy những chi tiết trên chiếc xe đã bong tróc Thịnh đã dùng dây kẽm để cố định lại. Vậy là qua vài bước tân trang, chiếc xe kỷ niệm của ngoại Liên Hoa giờ đây đã trở nên đẹp hơn, bắt mắt hơn nhưng vẫn còn đó những ký ức thân thuộc về những ngày xưa cũ chẳng thể nào quên.
Đoạn video ghi lại hành động đẹp của cả hai cùng với xe bột chiên đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, hơn 20 triệu lượt xem trên nền tảng TikTok. Tận dụng sức ảnh hưởng của các video, cặp đôi không quên để lại địa chỉ gánh hàng, nơi buôn bán của cô chú để mọi người biết đến nhiều hơn và ghé ủng hộ, sẻ chia yêu thương. Chính sự chu đáo đó đã giúp cho nhiều gánh hàng “buôn may, bán đắt” hơn. Từ xe tré trộn bán ngày được chừng chục hộp, nay đã tăng gấp 3 – 4 lần cho đến chú bán dừa ngày 1 – 2 bao, nay có ngày đã bán được 7 – 8 bao.
Khi được hỏi chi phí cho mỗi lần vẽ là bao nhiêu, hai bạn trẻ đều nói rằng khi cô chú nhận bảng mới chỉ cần phải trả cho hai bạn một điều, không phải điều gì khác mà đó chính là nụ cười. Đây cũng chính là câu trả lời của Phượng khi hồi âm anh Đạt, chủ quán cơm 30K sau khi tấm biển hiệu của quán được “thay áo mới” vào đầu năm 2024.
Anh Đạt bị khiếm khuyết một bên chân do cơn sốt lúc 3 tuổi dẫn đến không thể cử động được. Từ việc đi chợ mua nguyên liệu, mở tiệm cơm ven đường kiếm kế sinh nhai sống qua ngày, đôi vai của anh ngày một nặng hơn khi một mình tự tay chăm sóc mẹ già đã ngoài 70 tuổi. Dù trải qua cuộc mưu sinh vất vả là thế nhưng anh Đạt luôn giữ tinh thần lạc quan, chăm chỉ làm việc mỗi ngày. Điều này đã tiếp thêm sức mạnh cho đôi bạn trẻ bắt tay thực hiện vẽ tặng bảng hiệu mới cho anh. Khi tặng thành phẩm, Phượng nói: “Em vẽ, em có thu phí!”, anh Đạt nhanh chóng hồi đáp: “Bao nhiêu, thiếu đi hoặc cho anh trả góp”, “Không! Em không thu bằng tiền”, ngay lập tức cô bộc bạch, anh Đạt nói tiếp: “Vậy thôi, ăn cơm trừ được không?”, “Em muốn thu phí là một nụ cười của anh”, Phượng ấm áp hồi âm.
Quả thật, đối với Phượng và Thịnh, khi giúp đỡ các gánh hàng rong, những người lao động, họ không mong muốn nhận lại phí vẽ hay vật chất gì cả. Mà tất cả những hành động đó đều chỉ mong muốn đổi lại nụ cười của các cô, các chú, từ đó thấy được rằng họ luôn mang đến tinh thần lạc quan, cố gắng hết mình dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, vất vả mưu sinh mỗi ngày.
Thực hiện từ tháng 5/2023, đến nay đôi bạn đã vẽ gần 100 bảng hiệu giúp người lao động khó khăn. Với châm ngôn “Vì thành phố này luôn không thiếu điều tử tế”, thông qua những video trên “Vẽ hạnh phúc”, cả hai muốn lan tỏa thông điệp tích cực về niềm tin, sự cảm thông. Đồng thời, cặp đôi hy vọng rằng mọi người sẽ mở lòng yêu thương nhiều hơn, tạo nên nhiều những giá trị nhân văn cao đẹp hơn, cũng như luôn có tinh thần lạc quan, nụ cười tươi để vượt qua mọi chông gai trong cuộc sống.