Sở Y tế TP HCM cho biết, virus HMPV từng được phát hiện là một trong những tác nhân gây viêm hô hấp ở trẻ em trên địa bàn thành phố trong các năm 2023 và 2024.
- Ngăn chặn nguy cơ virus Marburg xâm nhập TP HCM cách nào?
- Bò sữa chết hàng loạt tại Lâm Đồng bước đầu do nhiễm Pestivirus tauri sau tiêm vaccine NAVET-LPVAC
- WHO thông tin về ca tử vong đầu tiên do virus cúm A/H5N2
Theo Sở Y tế TP HCM, Human metapneumovirus (HMPV) không phải là virus mới, đây là một trong số các tác nhân gây viêm hô hấp ở trẻ em và đã được ghi nhận tại TP HCM, chiếm tỷ lệ thấp (12.5% ở trẻ em) so với các tác nhân khác như rhinovirus (44,6%), virus hô hấp hợp bào RSV (41,1%), cúm A (25%).
Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại TP HCM năm 2024 ghi nhận số ca viêm đường hô hấp dao động từ 16.000 – 18.000 ca mỗi tháng trong 8 tháng đầu năm và tăng trong 3 tháng cuối năm. Các bệnh hô hấp có xu hướng gia tăng khi thời tiết chuyển lạnh, tuy nhiên hiện tại chưa ghi nhận những biến động bất thường về số ca mắc cũng như tình trạng bệnh nặng tại các bệnh viện.
Về tác nhân gây bệnh, kết quả báo cáo từ chương trình nghiên cứu tác nhân viêm phổi cộng đồng hợp tác giữa Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) với Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Khánh Hoà, Viện Pasteur Nha Trang, và Trung tâm bệnh truyền nhiễm quốc gia Singapore (thuộc dự án PREPARE) cho thấy, tác nhân gây bệnh vẫn là các virus và vi khuẩn phổ biến.
Cụ thể, kết quả xét nghiệm 103 bệnh nhân viêm phổi cộng đồng (gồm 56 trẻ em và 47 người lớn) nhập viện từ tháng 7 đến tháng 12/2024 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM cho thấy: HMPV chiếm tỷ lệ nhỏ (12,5% ở trẻ em) so với các tác nhân gây viêm phổi cộng đồng khác. Các tác nhân phổ biến hơn được tìm thấy ở trẻ em như vi khuẩn H. influenzae (71,4%), S. pneumoniae (42,9%), virus cúm A (25%), rhinovirus (44,6%), RSV (41,1%),… Tác nhân phổ biến ở người lớn là vi khuẩn H. influenzae (42,6%), S. pneumoniae (27,7%) và virus cúm A (48,9%).
Ngoài ra, trong đợt bùng phát viêm hô hấp trẻ em vào cuối năm 2023 tại TP HCM, kết quả giám sát cũng ghi nhận tình trạng đa dạng tác nhân virus thường gặp, trong đó tác nhân HMPV cũng được phát hiện với tỷ lệ 15%.
Tuy nhiên, Sở Y tế khuyến cáo không chủ quan trước những diễn biến có thể xảy ra, Sở Y tế TP HCM đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) và các đơn vị y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, sẵn sàng triển khai hoạt động kiểm dịch y tế tại sân bay và cảng biển theo chỉ đạo của Cục Y tế Dự phòng nhằm phát hiện sớm và ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh (nếu có).
Bên cạnh đó, tiếp tục các hoạt động giám sát dịch tễ nội địa, bao gồm giám sát số ca viêm hô hấp, số ca viêm hô hấp cấp tính nặng nhập viện, giám sát các tác nhân gây viêm hô hấp và giám sát các sự kiện như phát hiện chùm ca bệnh trong trường học, nhà máy, cộng đồng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Human metapneumovirus (HMPV) là một loại virus thuộc họ Pneumoviridae, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2001. HMPV có liên quan đến virus hợp bào hô hấp (RSV) và là một trong các tác nhân gây viêm nhiễm đường hô hấp trên và dưới cho trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch suy giảm. Virus này lây lan từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua bề mặt nhiễm virus, với nguy cơ gia tăng cao trong mùa đông và đầu mùa xuân. Các triệu chứng thường gặp bao gồm ho, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, đau họng, sốt và trong trường hợp nghiêm trọng, có thể gây viêm phổi nặng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc gần đây đã báo cáo sự gia tăng các ca bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bao gồm cả HMPV, vào mùa đông. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa coi đây là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, nhưng sự gia tăng ca bệnh đã thúc đẩy các cơ quan chức năng tăng cường hệ thống giám sát. Hiện nay, HMPV chưa có vaccine phòng ngừa hoặc thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, việc thực hiện các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của Ngành Y tế là điều quan trọng. |