Từ năm 2012 đến 2022, các Cty thuộc Vạn Thịnh Phát đã sử dụng 23 Cty, trong đó có 12 Cty thành lập, đăng ký kinh doanh tại Việt Nam và 11 Cty, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam để thực hiện việc chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam…
- Vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Truy tố bị can Trương Mỹ Lan về 3 tội danh
- Vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Bộ Công an kiến nghị về “lỗ hổng” pháp lý trong phát hành trái phiếu
Như Báo Pháp luật Việt Nam đã đưa tin, VKSND tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Cty Vạn Thịnh Phát – VTP) và 33 bị can khác về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền”, “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Trong đó, Trương Mỹ Lan và 8 bị can khác bị truy tố về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” vì đã thực hiện việc vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD.
Vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD qua biên giới trong 10 năm
Theo cáo buộc, từ 27/10/2012 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập các hợp đồng “khống” mua bán cổ phần, vốn góp; tư vấn giữa các Cty tại Việt Nam và Cty ở nước ngoài. Thông qua các hợp đồng này, nhóm người trên đã thực hiện việc nhận tiền từ nước ngoài chuyển về và từ Việt Nam chuyển ra nước ngoài tổng số tiền là 4,5 tỷ USD.
Theo lời khai của Trương Mỹ Lan, khi cần chuyển tiền ra nước ngoài để trả nợ hoặc nhận tiền vay từ nước ngoài chuyển về Việt Nam, Lan giao cho Trịnh Quang Công phối hợp cùng với Nguyễn Phương Anh, Chiu Bing Keung Kenneth (luật sư, được giao quản lý các Cty nước ngoài) lập các hợp đồng “khống” mua bán cổ phần, vốn góp, tư vấn, vay nợ giữa các Cty tại Việt Nam và Cty, tổ chức ở nước ngoài (đều là các Cty “ma” thuộc quản lý, điều hành của các cá nhân thuộc VTP).
Thông qua các hợp đồng khống này, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài qua hệ thống Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Dưới sự chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, các đối tượng thuộc VTP đã phối hợp với các nhân viên SCB thực hiện việc chuyển tiền, nhận tiền quốc tế. Đa số hồ sơ (các giấy tờ, thủ tục) chuyển tiền ra nước ngoài không đủ điều kiện như thiếu: Văn bản xác nhận của Cty tại Việt Nam về việc Cty nước ngoài sở hữu cổ phần theo hợp đồng chuyển nhượng; Chứng nhận Hợp pháp hóa lãnh sự của người đại diện Cty nước ngoài đứng ra ký hợp đồng chuyển nhượng…
Hoặc các giao dịch nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam còn thiếu trường thông tin về chuyển tiền nên bị hệ thống tự động khóa… Tuy nhiên, các đối tượng có thẩm quyền tại SCB như Võ Tấn Hoàng Văn (TGĐ), Chen Yi Chung, Trương Khánh Hoàng (quyền TGĐ), Bùi Anh Dũng (Chủ tịch HĐQT) vẫn duyệt cho chuyển tiền trên hệ thống để hoàn tất việc chuyển tiền quốc tế.
Kết quả điều tra xác định, từ năm 2012 đến 2022, bằng phương thức thủ đoạn nêu trên, các Cty thuộc VTP đã sử dụng 23 Cty, trong đó có 12 Cty thành lập, đăng ký kinh doanh tại Việt Nam và 11 Cty, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam để thực hiện việc chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam.
Cụ thể, có 21 Cty trong số 23 Cty nêu trên đã thực hiện 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định tổng số tiền hơn 1,5 tỷ USD và 21 Cty thực hiện 152 giao dịch nhận tiền từ nước ngoài về trái quy định với tổng số hơn 3 tỷ USD.
Ở hành vi này, Trương Mỹ Lan bị xác định phải chịu trách nhiệm cao nhất. Các bị can Trương Khánh Hoàng, Võ Tấn Hoàng Văn, Bùi Anh Dũng biết rõ hồ sơ, thủ tục chuyển tiền còn thiếu, không bảo đảm quy định tại Pháp lệnh ngoại hối… nhưng vẫn ký lệnh chuyển tiền ra nước ngoài.
Trong đó, bị can Trương Khánh Hoàng ký duyệt 38 lệnh chuyển tiền ra nước ngoài với tổng số tiền 929 triệu USD (tương đương 21.810 tỷ đồng) và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về (106 giao dịch) với tổng số tiền 1,9 tỷ USD (tương đương 47.392 tỷ đồng). Bị can Võ Tấn Hoàng Văn đã ký duyệt 20 lệnh giao dịch ra nước ngoài với tổng số tiền 516 triệu USD (tương đương 11.998 tỷ đồng)…
Một số người bị lợi dụng
Liên quan tới vụ án, có 12 đối tượng thuộc VTP đứng tên mở tài khoản tín dụng tại SCB, ký các chứng từ nộp tiền vào tài khoản, trong đó có bà Chu Duyệt Phấn (con gái bà Trương Mỹ Lan) và nhiều người khác.
Theo cơ quan chức năng, đây là những người này có mối quan hệ thân cận với vợ chồng Trương Mỹ Lan và Chu Lập Cơ (là con, cháu, thư ký, trợ lý), được Lan nhờ đứng tên mở các thẻ tín dụng tại Ngân hàng SCB, ký hồ sơ chứng từ nộp tiền vào tài khoản thẻ.
Các lần đi cùng với vợ chồng bà Trương Mỹ Lan sang Hồng Kông (Trung Quốc), các cá nhân này được Lan chỉ đạo sử dụng thẻ để thanh toán mua trang sức, chi tiêu khác; họ không biết nguồn tiền thanh toán thẻ.
Ngoài ra, có 180 cá nhân đứng tên ký chứng từ tại SCB, đứng tên GĐ các Cty thuê, được thuê ký các hợp đồng khống đều là lao động tự do, không có việc làm ổn định, được các đối tượng tại VTP nhờ đứng tên cổ phần, làm GĐ, kế toán trưởng các Cty “ma” thuộc VTP. Khi cần ký hồ sơ, chứng từ, các cá nhân này được gọi đến các chi nhánh SCB để ký các chứng từ rút, nộp tiền hoặc ủy nhiệm chi. Các chứng từ do nhân viên SCB đã lập sẵn, họ không biết nguồn gốc số tiền rút, nộp, chuyển, không được nhận các khoản tiền này.
Xét thấy họ là những người lệ thuộc, người làm công, ăn lương, thực hiện theo chỉ đạo, vai trò thứ yếu, không được Trương Mỹ Lan và đồng phạm trao đổi, bàn bạc trước khi thực hiện, không biết nguồn gốc tiền, không biết các hợp đồng, chứng từ chuyển tiền, rút tiền, nhận tiền đã được Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã “lập khống”. VKSND tối cao cho rằng Cơ quan CSĐT Bộ Công an không truy cứu trách nhiệm hình sự là phù hợp.