Cuộc gặp giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với các doanh nhân thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam diễn ra mới đây là một sự kiện rất đáng chú ý, quan tâm.
- Thủ tướng Phạm Minh Chính phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ
- Startup protein 100% từ men vi sinh thuyết phục 4 Shark ra deal
Đất nước đã đi qua được ba phần tư thời gian thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng (quý I/2026).
Tại cuộc gặp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chia sẻ về tình trạng có không ít DN vẫn đang căng mình với những khó khăn trong điều kiện cạnh tranh gay gắt; vì vậy, cần cổ vũ đội ngũ DN Việt vươn lên mạnh mẽ.
Cũng tại cuộc gặp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt và tạo những điều kiện tốt nhất cho cộng đồng DN Việt Nam hoạt động và phát triển. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định rõ DN là động lực phát triển của nền kinh tế. Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây chính là nguồn cảm hứng, khích lệ, động viên đội ngũ DN, doanh nhân Việt Nam tiếp tục vững tin vào vai trò, sứ mệnh cao cả của mình với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Từ năm 2019 đến nay, trải qua một số đợt phong tỏa do dịch bệnh Covid-19; tình trạng ảm đạm nói chung của nền kinh tế thế giới; tình trạng “đùn đẩy”, “né tránh”, “sợ sai”, “sợ trách nhiệm” trong một số cán bộ chức năng; đời sống của người dân, hoạt động của DN và nền kinh tế gặp không ít khó khăn. Trong giai đoạn này, có một câu hỏi vừa mang tính tổng kết thực tiễn, vừa có ý nghĩa lý luận, đâu là điểm chốt chính để tạo đột phá, giải phóng nguồn lực của xã hội?
Một số ý kiến cho rằng, cần khơi dậy tinh thần khát khao tự do kinh doanh ở khu vực tư, sự khát khao làm việc ở khu vực công, nhằm tạo ra động lực phát triển nhanh chóng. Trong một số bài viết, bài phát biểu sau khi nhậm chức đến nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh vị trí trung tâm của phát triển kinh tế – xã hội trong các năm tới đây. Quan điểm “Kiên định phát triển kinh tế – xã hội là trung tâm” mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đưa ra rất đúng và trúng; sẽ có tác động tích cực đến tiến trình đạt các mục tiêu phát triển đã được xác định ở các mốc năm 2035 và 2045.
Giải pháp trước mắt đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu ra, là tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” để tạo cơ chế thuận lợi cho DN, doanh nhân có điều kiện phát triển, hoạt động đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất hiệu quả, tạo không khí phấn khởi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt. Đường lối, chính sách đã tốt, nên càng cần nhanh chóng luật hóa để có cơ sở thực hiện, áp dụng.