Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, tính đến tháng 11 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt 56,74 tỷ USD và dự kiến cả năm sẽ đạt khoảng 60-61 tỷ USD.
- Mục tiêu 54 tỷ USD xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ hoàn thành
- Sản lượng rau, quả tháng 8 giảm nhưng xuất khẩu vẫn tăng trưởng mạnh
- Lừa xuất khẩu lao động, chiếm đoạt tiền của gần 30 người
Xuất khẩu nông lâm thủy sản lập kỷ lục mới
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, trong tháng 11/2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng gần 14% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng nông sản đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2023, vượt qua mức kỷ lục 53,1 tỷ USD của cả năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã vượt chỉ tiêu 54-55 tỷ USD mà Thủ tướng giao.
Theo Thứ trưởng Tiến, nếu tình hình tháng 12 tiếp tục thuận lợi, kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể đạt 60-61 tỷ USD, đánh dấu một bước tiến lớn và khẳng định vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến cuối tháng 11, cả nước đã gieo cấy được 7.825 nghìn ha lúa, đạt 104% so với cùng kỳ năm ngoái. Diện tích lúa đã thu hoạch là 6.853,8 nghìn ha, đạt 100,1% so với cùng kỳ; sản lượng ước tính đạt 42,12 triệu tấn, tăng 1,1% so với năm trước, với năng suất bình quân đạt 61,5 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha.
Đối với ngành chăn nuôi, tổng số lợn của cả nước ước tính tăng 3,5% so với năm 2023, trong khi chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định với đàn gia cầm tăng 2,9%. Đến nay, cả nước đã trồng mới 232.000 ha rừng tập trung, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Ngành nuôi trồng thủy sản cũng phát triển ổn định, với sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 5.189,4 nghìn tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ.
Cán cân thương mại nông nghiệp trong 11 tháng qua ghi nhận thặng dư gần 16,5 tỷ USD, tăng 53% so với năm trước – mức cao kỷ lục. Các lĩnh vực chủ lực đều tăng trưởng mạnh: nông sản đạt gần 30 tỷ USD (tăng hơn 23%), thủy sản đạt 9,2 tỷ USD (tăng 11,8%), lâm sản gần 15,6 tỷ USD (tăng 19,6%), và sản phẩm chăn nuôi đạt hơn 475 triệu USD (tăng 4,4%). Đặc biệt, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt thặng dư trên 12,1 tỷ USD, trong khi rau quả xuất siêu 4,56 tỷ USD nhờ thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Về các thị trường, châu Á chiếm 48,2% tổng kim ngạch, tiếp theo là châu Mỹ với 23,7% và châu Âu với 11,3%. Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản là ba thị trường lớn nhất, chiếm lần lượt 21,7%, 21,6% và 6,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu sang Mỹ tăng gần 25%, sang Trung Quốc tăng 11%, và sang Nhật Bản tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Những định hướng, giải pháp kịp thời
Theo vị Thứ trưởng, thành công của ngành nông nghiệp năm 2024 trước hết phải nhắc đến sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ. Sau cơn bão số 3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 143 và Công điện số 100, yêu cầu các ngành, địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai và khôi phục sản xuất.
Toàn ngành nông nghiệp đã nhanh chóng đánh giá thiệt hại và triển khai các giải pháp tái thiết, ưu tiên nhóm cây ngắn ngày, gia cầm và thủy cầm, đồng thời khuyến khích các địa phương không bị ảnh hưởng tăng cường sản xuất.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng khẳng định, kết quả xuất khẩu ấn tượng năm 2024 có được nhờ vào quá trình tái cơ cấu ngành trong nhiều năm qua, kết hợp với việc ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn. Bên cạnh đó, sự nỗ lực mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của các đơn vị trong ngành cũng đóng góp lớn vào thành tựu này.
Về mục tiêu phát triển trong thời gian tới, Thứ trưởng Tiến cho biết, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tái cơ cấu để nâng cao giá trị gia tăng, gắn sản xuất với thị trường. Ngành sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế tuần hoàn, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là các thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU. Thứ trưởng cũng chỉ ra rằng các lĩnh vực như chăn nuôi và chế biến sâu vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển.
“Mặc dù ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, dịch bệnh và bất ổn kinh tế toàn cầu, nhưng cơ hội vẫn rất lớn nhờ sự gia tăng nhu cầu thực phẩm toàn cầu và lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do. Để đạt được mục tiêu lớn hơn, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục chú trọng nâng cao giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường” – Thứ trưởng Tiến nói.
Theo các chuyên gia, nhìn lại năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ vượt qua khó khăn mà còn khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Với những định hướng đúng đắn, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phát triển bền vững và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.