Những ngày tháng 5 này, người dân Việt Nam lại bồi hồi xúc động nhớ về vị Cha già của dân tộc – lãnh tụ vĩ đại của Nhân dân Việt Nam – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình tượng kinh điển, nguồn cảm hứng bất tận cho những người làm nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng. Trong đó, những bộ phim khắc họa chân dung Bác Hồ luôn để lại niềm xúc động sâu sắc trong lòng khán giả.
- “Trend” tìm hiểu lịch sử của giới trẻ: Cơ hội tốt cho người làm nghệ thuật và quản lý văn hóa
- Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024): Nhiệm vụ đặc biệt thiết kế trang phục thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tái hiện hình ảnh lãnh tụ trên màn ảnh
Đề tài về Bác là nguồn cảm hứng vô tận với những nhà làm phim. Năm 1990, vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo diễn Long Vân lần đầu tiên đưa câu chuyện về Người lên màn ảnh rộng. Đó là bộ phim truyện điện ảnh “Hẹn gặp lại Sài Gòn” dựa trên kịch bản của nhà văn Sơn Tùng, người rất nổi tiếng với các tác phẩm viết về Bác.
Sau đó, nhiều nhà biên kịch, đạo diễn bắt đầu tìm tòi thể hiện hình ảnh Bác với những lát cắt khác nhau như: “Hà Nội mùa đông năm 1946”, “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, “Nhìn ra biển cả”, “Nhà tiên tri”, “Thầu Chín ở Xiêm”, “Vượt qua bến Thượng Hải”…
Tháng 5 năm 2024, nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Bác Hồ (19/5/1890 – 19/5/2024) và 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2024), bộ phim “Vầng trăng thơ ấu” (tác giả kịch bản: Đặng Thị Thanh Bình, đạo diễn Hồ Ngọc Xum) được khởi chiếu. Phim do Công ty Cổ phần phim Giải phóng sản xuất, lấy bối cảnh từ năm 1895 đến năm 1901 khi Bác Hồ (tên thời thơ ấu là Nguyễn Sinh Cung) cùng cha mẹ là ông Nguyễn Sinh Sắc, bà Hoàng Thị Loan và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm vào Huế lần đầu tiên.
Vinh dự và thử thách của nghệ sĩ
Thể hiện hình tượng Bác trong nhiều bộ phim khác nhau là các diễn viên: NSND Bùi Bài Bình, NSƯT Tiến Hợi, NSƯT Trần Lực, Minh Hải, Mạnh Trường, Minh Đức… Đối với người nghệ sĩ, việc được chọn đóng vai Bác không chỉ là vinh dự mà còn là thử thách để làm sao thể hiện được sự khao khát, tìm tòi học hỏi, khí chất, tinh thần yêu nước nồng nàn, toát lên trong ánh mắt của Người.
Trong số các diễn viên đã vào vai Bác Hồ, NSƯT Tiến Hợi là người để lại nhiều dấu ấn sâu đậm bởi ngoại hình, thần thái của nghệ sĩ khi nhập vai đã toát lên được vẻ đẹp tinh thần, hình ảnh, cốt cách của Bác khiến cho khán giả hài lòng. NSƯT Tiến Hợi từng chia sẻ, để vào vai Bác Hồ thành công, ngoài ưu thế về ngoại hình giống Bác, diễn viên còn tìm đọc các tài liệu lịch sử, sách báo về Bác. NSƯT cũng lắng nghe các băng ghi âm các bài nói chuyện của Bác để học giọng nói, cách nhả chữ cho thật chuẩn.
Diễn viên Minh Đức vào vai Bác Hồ trong bộ phim “Nhìn ra biển cả” kể về cuộc đời Bác Hồ thời còn đi học, khi ấy diễn viên mới 22 tuổi, đang là sinh viên Trường Sân khấu – Điện ảnh. Minh Đức cho hay: “Theo yêu cầu của đạo diễn, tôi phải hóa thân làm sao để thể hiện được Nguyễn Tất Thành là một thanh niên đặc biệt nhất trong số nhiều người yêu nước trẻ tuổi. Cái khó nhất của tôi là còn trẻ về tuổi đời, chưa có đủ trải nghiệm để vào một vai diễn lớn với nhiều trăn trở như vai Nguyễn Tất Thành. Tôi phải tìm đọc sách kể về Bác Hồ, nhất là những chi tiết nói về thời niên thiếu của Bác phải nhớ kỹ. Nhớ để hiểu về tư tưởng của Bác”.
Bằng tình cảm yêu kính dành cho Bác, bằng sự nỗ lực, tìm tòi của bản thân, các nghệ sĩ, diễn viên đã có được vai diễn ấn tượng, đem lại sự xúc động mạnh mẽ tới người xem.