Những cuốn sổ, thư tay, tấm ảnh – kỷ vật của các chiến sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc vừa được bàn giao cho thân nhân và gia đình ở Quảng Ngãi với nhiều câu chuyện đầy ắp cảm xúc…
- Thiếu tá công an bị đâm trọng thương khi trực 2/9 đã được chuyển xuống bệnh viện Việt Đức
- Trao bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sĩ Trần Duy Hùng
“Cha về với con”
Mới đây, nhận được tấm giấy mời với nội dung: “Mời gia đình đi nhận lại những di vật, kỷ vật của liệt sĩ Phùng Đình Tú”, ông Phùng Thái (trú thôn Vạn Tường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, con trai liệt sĩ Tú) không cầm được nước mắt. Cho đến khi cầm di vật, kỷ vật của cha trên tay, ông Phùng Thái nghẹn ngào: “Cảm ơn Đảng và Nhà nước, cảm ơn lãnh đạo Cục Chính sách đã đưa cha về với con”.
Nhớ thương cha, cảm xúc ấy luôn quanh quẩn trong đầu ông Thái. Bởi từ ngày cha đi rồi hy sinh, ông chưa từng được gặp. Nhiều năm liền, ông đi khắp nơi tìm kiếm tin tức của cha, đã có nhiều lúc niềm hy vọng được thắp lên dù chỉ mơ hồ. Năm nay đã 72 tuổi, ông Thái biết, thời gian không còn nhiều…
Ông Thái nhớ lại, ngày mẹ ông còn sống, bà kể, sau khi lấy nhau, cha ông ra Bắc. Năm 1952, cha ông được về thăm nhà rồi quay lại quân ngũ. Kể từ đó, chiến tranh triền miên, tin tức của cha ông biền biệt. Những năm tháng sau chiến tranh, mẹ con ông Thái dò hỏi, tìm kiếm nhiều nơi mong có được tin tức về chồng, về cha mình nhưng không thành. Cho đến lúc mất, mẹ ông vẫn còn đau đáu…
“Tôi từng nghe thông tin cha tôi được an táng tại một nghĩa trang ngoài Hà Nội. Tôi đã lặn lội tìm đến địa chỉ đó, nhưng không có tên ông”, ông Thái kể.
Liệt sĩ Phùng Đình Tú (SN 1930, quê xã Bình Hải, huyện Bình Sơn), nhập ngũ tháng 10/1948, hy sinh năm 1956. Đó là những thông tin ít ỏi liên quan đến liệt sĩ Phùng Đình Tú được lưu giữ ở các cơ quan thực hiện chính sách. Còn đối với gia đình ông Thái, vật duy nhất liên quan đến liệt sĩ Tú là tấm Bằng Tổ quốc ghi công.
Và ngày ông Thái cùng cả gia đình mong mỏi đã đến, Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) đã bàn giao những kỷ vật của cha ông gồm một số vật dụng, giấy tờ như: giấy báo tử, thư chia buồn, sổ tay cá nhân, thư tay, thẻ mộ và hơn chục bức ảnh trắng đen. Trong cuốn sổ tay có chữ Phùng Đình Tú, viết bằng mực xanh…
Lật giở từng trang trong tập kỷ vật của cha, đọc, xem những bức ảnh đen trắng đã ố màu, hình bóng người cha qua bao năm chỉ trong tưởng tượng giờ như hiện hữu trước mắt. Không kìm nén được xúc động, đôi mắt ông đỏ hoe. Hơn 70 năm kể từ lần cuối cùng về thăm nhà, lần này, cha ông đã quay trở về, dù chỉ là những kỷ vật.
“Trong ảnh cha tôi chụp chung với các đồng chí ở đơn vị nên tôi phải về quê hỏi thăm những bậc cao niên, nhờ xác định cha tôi là người nào trong những bức ảnh này để tôi rửa ảnh đưa lên bàn thờ”, ông Thái chia sẻ.
Kỷ vật vô giá và câu chuyện giáo dục thế hệ trẻ
Cùng với gia đình ông Thái, đợt vừa qua còn có 6 gia đình khác ở Quảng Ngãi là thân nhân liệt sĩ hy sinh trong giai đoạn 1954 – 1958 cũng được trao lại toàn bộ kỷ vật, di vật của người thân. Trong số này, chỉ có một liệt sĩ đã được quy tập vào nghĩa trang, còn lại chưa có thông tin. Nhiều liệt sĩ hy sinh khi còn rất trẻ, họ chưa lập gia đình nên thân nhân chỉ còn em ruột, cháu họ, em dâu…
Đại tá Hoàng Tuấn Hiền, Phó Cục trưởng Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam) cho biết, các di vật, kỷ vật của liệt sĩ được bàn giao bao gồm giấy báo tử, sổ tay, ảnh cá nhân, giấy chứng minh, giấy chứng nhận thành tích, kỷ niệm chương kháng chiến, giấy khen, thư cá nhân… được các liệt sĩ gửi lại. Một số cuốn sổ tay chưa kịp ghi dòng nào ngoài cái tên chủ nhân cuốn sổ…
Đây là những di vật, kỷ vật gắn bó trong quá trình tham gia chiến đấu của các liệt sĩ. Các di vật, kỷ vật trở về với gia đình, thân nhân với nhiều cảm xúc lắng đọng. Tâm nguyện của những gia đình, thân nhân liệt sĩ đã thành hiện thực khi nhận những kỷ vật nhỏ bé nhưng là tài sản có giá trị tinh thần lớn lao.
Theo Đại tá Hoàng Tuấn Hiền, trong điều kiện chiến tranh kéo dài, những kỷ vật này có lúc lưu lạc, nằm tại kho lưu trữ của các đơn vị tham gia chiến đấu trước đây. Thời gian qua, Cục Chính sách và các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã phối hợp với Cục Người có công (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành xác minh thông tin, mong muốn sớm đưa các di vật, kỷ vật thiêng liêng của các liệt sĩ hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc về với gia đình và người thân. Qua đó, góp phần xoa dịu những mất mát của thân nhân, gia đình liệt sĩ.
“Để có những di vật, kỷ vật của liệt sĩ, chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều trong việc tìm kiếm, xác minh và hệ thống thông tin liệt sĩ một cách chính xác nhất”, Đại tá Hiền nói.
Cũng theo Đại tá Hiền, tuy các di vật, kỷ vật rất nhỏ bé, có thể là những bức thư, cuốn sổ tay, cuốn nhật ký, tấm ảnh của các chiến sĩ để lại… nhưng chứa nhiều giá trị thông tin, thể hiện tình cảm, tấm lòng và trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với những người có công với cách mạng, vì độc lập dân tộc.
Đây là những di vật, kỷ vật gắn bó trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, tham gia chiến đấu của các liệt sĩ. Vì thế, mỗi kỷ vật đều có một giá trị riêng, có đời sống và tâm hồn riêng thấm đẫm mồ hôi, xương máu của các liệt sĩ. Ngoài ra, các kỷ vật được trao trả cho gia đình liệt sĩ, mang giá trị hiện thân, tượng trưng như liệt sĩ trở về. Từ câu chuyện của kỷ vật, di vật nhằm giáo dục con cháu hôm nay luôn biết ơn đối với công lao hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông cho nền độc lập dân tộc.
Hàng vạn hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B mong được người thân đến nhận
Theo thông tin từ Báo điện tử Chính phủ, từ năm 1959, hàng đoàn cán bộ từ miền Bắc vào miền Nam công tác và làm nhiệm vụ bí mật, trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu, giải phóng miền Nam, với biệt danh: đi B. Trước khi đi, theo quy định, các cán bộ đi B phải gửi lại toàn bộ tư trang, hành lý, đồ dùng, vật dụng, giấy tờ và cả tài sản cá nhân… (gọi là hồ sơ, kỉ vật của cán bộ đi B) cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ giữ. Họ chỉ được mang theo những đồ dùng cá nhân do Ủy ban cấp.
Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Bộ Nội vụ là của cán bộ đi B dân sự gồm các cán bộ là y sĩ, bác sĩ, giáo viên, kỹ sư, các nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo… gồm toàn bộ hồ sơ, giấy tờ được hình thành từ các cán bộ, công nhân viên thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể địa phương được cử vào Nam công tác và từ các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc công tác, sau đó trở về miền Nam.
Từ khi tiếp nhận, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã tiến hành phân loại tài liệu, thống kê, sắp xếp, chỉnh lý khoa học đối với khối tài liệu hồ sơ, kỷ vật đi B. Hồ sơ được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái tên gọi của cán bộ theo địa phương là quê quán hay nơi sinh của cán bộ đi B (tên tỉnh, thành phố).
Hiện nay, sau khi tiến hành chỉnh lý, sắp xếp khoa học, khối hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B với khoảng 72.000 hồ sơ do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III quản lý, trong đó, 55.722 hồ sơ cán bộ đi B đã xác định được từ 89 địa phương trong cả nước (theo địa giới hành chính giai đoạn 1945 – 1975). Tuy nhiên, vẫn còn hơn 3 vạn hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B dân sự, trong đó có kỷ vật của nhiều cán bộ tập kết và các liệt sĩ, mong được người thân đến nhận.
Bạn đọc cần thông tin chi tiết có thể liên hệ: Địa chỉ Trung tâm Lưu trữ quốc gia III: 34 Phan Kế Bính, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội. ĐT: 091 5573317; 098 9977989. Tra cứu hồ sơ cán bộ đi B tại địa chỉ: luutru.gov.vn/hosodiB/
Vũ Vân Anh – Công Huy