Hội nghị Tri ân người có công với cách mạng năm 2024 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan vừa tổ chức có sự tham dự của trên 400 đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu đến từ khắp mọi miền đất nước. Bên lề Hội nghị, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có dịp gặp gỡ với những nữ cựu chiến binh, những người đã không tiếc tuổi thanh xuân, không ngại gian khổ, nguy hiểm xông pha ra chiến trường với tinh thần bất diệt của phụ nữ Việt Nam “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.
- Hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lòng cán bộ Tư pháp
- Hà Nội: Vụ án “thâu tóm” các Công ty để mua bán hóa đơn trái phép
Thà chết chứ không “bán nước cầu vinh”
Bà Mai Thị Nga (81 tuổi, sống tại tỉnh Tiền Giang) thương binh hạng 3/4 nhớ lại câu chuyện hơn 60 năm trước của mình. Vừa đúng tuổi 16 trăng tròn đẹp nhất, bà đã tham gia làm giao liên ở xã Tân Bình (nay thuộc thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Với tinh thần năng nổ, nhiệt huyết, bà sớm được mọi người tin tưởng giao làm Hội phó rồi Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Bình. Đến ngày 19/5/1962, bà được kết nạp vào Đảng khi vừa qua tuổi 18.
Vào năm 1962, trong một lần được giao nhiệm vụ đi công tác ở xã Mỹ Hạnh Trung (tỉnh Tiền Giang), bà bị quân địch bao vây, bắt giữ. Mong muốn khai thác được những thông tin từ cô nữ giao liên, địch đã liên tục đưa bà đến nhiều trại giam khác nhau và tra tấn bằng nhiều cực hình, như ở Chi khu Lai Cậy giặc tra khảo bà bằng hình thức đổ xà phòng vào miệng. Sau đó, chúng đưa bà đến Khám lớn Mỹ Tho, rồi Trại Thủ Đức, ở đây, bà phải ngồi trong căn phòng giam nhỏ hẹp, một chân bị treo lên xà.
Bà Nga nhớ lại khoảnh khắc đó: “Trong tù, tôi từ một cô gái nặng hơn 40kg chỉ còn chưa đầy 32kg. Có những ngày bị treo chân lên xà, dốc đầu xuống sàn nhà. Ở trong khuôn viên tù ẩm mốc, chật hẹp, ăn uống, đi vệ sinh tất cả cùng một nơi”. Tuy nhiên, bà Nga không hề sợ hãi, nhụt chí trước quân thù. Bà cho biết, bản thân thà chết chứ không “bán nước cầu vinh”. Tại đây, bà Mai Thị Nga cùng nhiều nữ tù cách mạng khác đã vận động các chị em không khai tuyệt thực, không thực hiện các nội quy nhà giam…
Nhờ tinh thần yêu nước, ý chí mạnh mẽ, quật cường không thể khuất phục, bà Mai Thị Nga được địch trả tự do vào năm 1965. Ngay lập tức bà tiếp tục liên lạc trở lại với tổ chức cách mạng, khát khao tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bà đảm nhiệm một số công việc tại tỉnh Tiền Giang. Năm 1969, trên cương vị là Huyện ủy viên, bà được tổ chức phân công phụ trách hai xã Tân Phong và Hiệp Đức, với nhiệm vụ gây dựng lại Chi bộ. Trong thời gian này, dù đã làm mẹ và có gia đình, nhưng bà vẫn gác lại việc riêng, gửi đứa con thân yêu của mình cho người thân để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ. Bà cho biết: “Chồng tôi cũng là một người làm cách mạng. Hai vợ chồng công tác ở xa nhau, chỉ thỉnh thoảng có cơ hội gặp gỡ”. Bà Mai Thị Nga thời gian này đã đóng vai một cô thợ may đến nhiều nơi khéo léo liên lạc với những gia đình có nhân thân tốt, tuyên truyền vận động Nhân dân đấu tranh và những chính sách của Đảng, di chúc Bác Hồ.
Sau khi đất nước giải phóng, bà Mai Thị Nga đảm nhận nhiều cương vị khác nhau như năm 1982, bà được tổ chức giao nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy; từ năm 1984, bà Mai Thị Nga được phân công làm Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy… Trong bất cứ hoàn cảnh nào, bà cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ của một đảng viên ưu tú. Nhiều năm liên tục bà luôn là người cán bộ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và nhận được tình cảm yêu mến, trân trọng của mọi người…
Nữ dược sĩ can đảm giữa rừng sâu
Câu chuyện thứ hai thuộc về bà Lâm Thị Mây (76 tuổi, sinh sống ở tỉnh Bắc Kạn), sau khi tốt nghiệp ngành Y dược, bà được phân công đến Trạm Y tế tỉnh Bắc Thái (tên gọi cũ của hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên). Một thời gian ngắn sau đó, bà cùng nhiều đồng nghiệp được điều đến chiến trường miền Nam để phục vụ kháng chiến.
Bà Mây bồi hồi nhớ lại: “Lúc đó, tôi mới chỉ ngoài 20 tuổi. Trước khi vào chiến trường, chúng tôi được cử đến tỉnh Hòa Bình tham gia huấn luyện ngắn hạn khoảng một tháng. Tôi và các dược sĩ, y tá, bác sĩ được hướng dẫn nhiều kỹ năng như vác bao gạch nặng 30kg, cách tránh địch, cách sử dụng vũ khí để tự vệ”. Kết thúc khóa huấn luyện, đoàn y tá, bác sĩ, dược sĩ hành quân vào chiến trường miền Nam kéo dài đến 9 tháng trên suốt chặng đường đi xa xôi, phải băng rừng, vượt suối, sốt rét rình rập.
Đến nơi, bà Lâm Thị Mây được phân vào Ban Y tế khu 5 miền Trung Trung Bộ. Bà cùng các đồng nghiệp đóng quân tại vùng rừng núi ở huyện Trà My thuộc tỉnh Quảng Nam. Nơi Ban y tế của bà đóng quân ở sâu trong rừng, giáp ranh với các chiến trường. Công việc chủ yếu của bà Mây và đồng nghiệp lúc bấy giờ là điều chế, phân phối dược liệu và tăng gia sản xuất, vận chuyển lương thực phục vụ cho tiền tuyến.
Bà Mây kể lại một kỷ niệm mà bà nhớ nhất, đó là một lần xuống tỉnh nơi có căn cứ của địch đang chiếm giữ để vận chuyển lương thực, thực phẩm: “Các đồng chí người bản địa mất khoảng 2 tiếng để di chuyển từ tỉnh về đến căn cứ. Tuy nhiên, tôi “lạ nước lạ cái” nên đi từ trưa nhưng phải đến chiều mới tới bìa rừng. Trời tối om, trên người là nhu yếu phẩm nặng đến 30 – 40kg, xung quanh không một ánh đèn. Rừng núi âm u, chỉ còn ngọn cây chà là cao vút, tiếng hổ gầm ở phía xa xa”.
Bà Mây cho biết, nếu bị lạc, không tìm về được nơi đóng quân, sẽ gặp rất nhiều rủi ro như bị địch bắt, hổ dữ ăn thịt… Mặc dù rất lo lắng, nhưng bà Mây vẫn bình tĩnh quan sát, đến khi thấy một ánh đèn nhỏ ở phía xa bà men theo và may mắn gặp được căn hầm trú ẩn. Bà nhớ lại: “Khi ấy, tôi chỉ dám đứng từ xa quan sát, không rõ đây là hầm trú ẩn của quân ta hay quân địch. May mắn, nhìn thấy màu áo xanh của các anh bộ đội, tôi đã lập tức nhờ chỉ đường và được các anh hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình”.
Bà Mây cho biết, các y tá, bác sĩ, dược sĩ tham gia chiến trường miền Nam đối diện với rất nhiều nguy hiểm rình rập mỗi ngày. Bà kể lại: “Có một bác sĩ trẻ, trong lúc đi lấy nhu yếu phẩm ở dưới tỉnh đã bị địch bắt và bắn chết. Di thể của anh phải đến tận một tuần sau, chúng tôi mới tìm thấy và an táng”. Cũng theo lời bà Mây, nơi đóng quân của Ban y tế ở trong rừng nên thường có hổ đói. Các y, bác sĩ, dược sĩ bên cạnh nỗi lo sợ trước quân địch, còn luôn cảnh giác những mối nguy hại đến từ thú dữ. “Mỗi lần đi hành quân ở rừng, chúng tôi đều phải sử dụng cây nứa tạo ra tiếng kêu khiến hổ sợ tránh chỗ đóng quân để yên tâm nghỉ ngơi. Có những phen hú vía, khi hổ mò vào tận lán trại, nơi các anh chị em mắc võng ngủ, chúng tôi chỉ biết nín thở nằm im, may mắn không có ai thương tổn”, bà Mây nhớ lại.